1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Chiến sỹ không quân hàm”, 35 năm bảo vệ cột mốc biên giới

(Dân trí) - Vượt trên mọi khó khăn là tình yêu tổ quốc đã tiếp thêm sức mạnh giúp người xin được trông coi cột mốc 331 suốt 35 năm qua miệt mài băng rừng, lội suối bảo vệ cột mốc biên giới, dù công việc đó với ông không có thù lao...

Người đàn ông mà chúng tôi muốn nhắc đến đó là ông là Vi Văn Hợi (66 tuổi), người dân tộc Thái, ở bản Cha Khót, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa. 35 năm qua, ông đã miệt mài chăm sóc và bảo vệ cột mốc số 331 tại vùng biên giới Việt Nam - Lào.

Chúng tôi may mắn gặp được ông vào một buổi sáng cuối năm, khi đến xã Na Mèo, chỉ cần nhắc tên ông Hợi không ai là không biết. Bởi với bà con nơi đây, ông đã quá quen thuộc, cũng bởi thế mà người dân địa phương dành cho ông một cái tên thật trìu mến “ông Hợi cột mốc”.

Ông Vi Văn Hợi trao đổi với phóng viên.
Ông Vi Văn Hợi trao đổi với phóng viên.

Cảm nhận đầu tiên khi tiếp xúc với ông là một con người thoải mái, nhiệt huyết, chân ông vẫn còn nguyên đôi ủng và bộ quần áo mang chất của người lính biên phòng. Vốn không phải sinh ra ở vùng đất Cha Khót, nhưng ông quen thuộc từng lối đi, con suối, bìa rừng…

Thấm thoắt cũng đã hơn 50 năm ông gắn bó với vùng đất nơi đây. Ông Hợi nhớ lại, năm 1950, ông theo gia đình rời quê xã Yên Khương, huyện Lang Chánh lên huyện vùng biên Quan Sơn, sau những năm đầu vất vả phải di chuyển nhiều nơi do điều kiện chiến tranh, đến năm 1957, gia đình ông vào định cư ở bản Cha Khót từ đó đến nay.

Năm 1978, Nhà nước có chủ trương vạch đường biên giới, ông tự hào khi bản thân ông có mặt trong đoàn cán bộ đi vạch đường biên. Lúc đầu cột mốc có tên là H3, nay được đổi tên là cột mốc 331, cắm trên địa bàn bản Cha Khót, xã Na Mèo. Sau đó, hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước vận động nhân dân ở các vùng biên giới tham gia phong trào tự quản đường biên, cột mốc, ông Hợi đã đề nghị Đồn biên phòng cửa khẩu Na Mèo giao cho ông tự quản lý, trông coi cột mốc 331. Hàng tháng, hàng quý, ông đi dọn dẹp, phát quang xung quanh cột mốc.

Từ nhà ông vào đến cột mốc hơn 4km, nhưng phải băng rừng, lội suối. Trước đây, chưa có đường vào, phải chui trong rừng, trong rú, phải mất cả mấy giờ đồng hồ mới đến nơi. Nhưng với trách nhiệm của một công dân, dù công việc vất vả, không có chế độ, nhưng suốt 35 năm qua, ông Hợi đã chăm chỉ theo định kỳ đến thăm và bảo vệ cột mốc thiêng liêng của tổ quốc.

Khi được hỏi về những kỷ niệm trong thời gian hàng chục năm làm nhiệm vụ thiêng liêng, ông Hợi không nhớ hết, nhưng có một lần vào khoảng năm 2006 - 2007, trong một lần đi lên thăm cột mốc, ông phải ngủ lại đêm trong rừng vì mưa, nước suối dâng nhanh, không thể nào băng suối về nhà, ông phải chặt lá cọ làm lán che ngủ lại giữa rừng.

Ngày còn trai trẻ, sức khỏe còn dồi dào nên công việc này với ông thật đơn giản. Còn bây giờ, ông đã bước sang tuổi xế chiều, sức khỏe đã dần yếu đi nên mỗi băng rừng, lội suối với ông cũng trở nên vất vả hơn. Nhiệm vụ của ông mỗi lần thăm cột mốc về nếu thấy có điều gì bất thường, ông đều báo ngay cho bộ đội Biên phòng để có phương án xử lý kịp thời. “Tấc đất là tấc vàng, nên mình phải giải thích cho bà con hiểu và tham gia bảo vệ cột mốc là nhiệm vụ thiêng liêng”, ông Hợi cho biết.

Hơn 35 năm qua, với sự tham gia bảo vệ cột mốc của ông Hợi, khu vực cắm mốc số 331 được giữ gìn an toàn tuyệt đối. Nhiệm vụ vất vả, nhưng ông Hợi cho biết, ông cũng không mong muốn gì nhiều, bởi công việc ông làm là hoàn toàn tự nguyện.

Khi được hỏi về công việc của ông trong thời gian tới, ông Hợi không đắn đo, suy nghĩ mà trả lời rất khảng khái: “Khi nào tôi thấy yếu, không làm được nữa tôi sẽ báo cáo cấp trên là nghỉ, bây giờ còn sức khỏe thì tôi vẫn làm. Trong 35 năm qua, cột mốc được bảo vệ bình yên”.

Duy Tuyên