Chiêm ngưỡng khả năng đặc biệt trong trấn áp tội phạm của chó nghiệp vụ
(Dân trí) - Bất kể ngày mưa hay nắng, các chú chó thuộc Trung tâm huấn luyện động vật nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh CSCĐ ở xã Kim Anh (Sóc Sơn, Hà Nội) vẫn cùng các chiến sỹ cảnh sát chăm chỉ luyện tập ngoài thao trường.
Thượng tá Dương Đình Đoàn, Phó Giám đốc Trung tâm huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, Bộ Tư Lệnh CSCĐ cho biết, để huấn luyện thành công những cá thể chó nghiệp vụ trở thành công cụ hỗ trợ lực lượng CAND trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm cần rất nhiều công sức.
Quá trình huấn luyện tất yếu phải tuân theo nguyên tắc từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao, huấn luyện củng cố, nâng cao rồi lại nâng cao hơn, để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi thời kỳ khác nhau.
“Mỗi cá thể chó được tuyển chọn dựa vào đặc tính, khả năng để được tập luyện vào các nghiệp vụ khác nhau như: Trấn áp tội phạm, chống bạo loạn, giám định nguồn hơi để phục vụ công tác rà soát thuốc nổ, ma túy, cứu hộ, cứu nạn…
Sau khoảng 6 tháng huấn luyện, các cán bộ huấn luyện sẽ được trang bị một chó nghiệp vụ về đơn vị địa phương và tiếp tục huấn luyện nghiệp vụ nâng cao thêm 6 tháng nữa, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công an các đơn vị địa phương”, Thượng tá Dương Đình Đoàn cho hay.
Ban đầu, chó nghiệp vụ trải qua các bài huấn luyện như bò, trườn, chui hầm, vượt rào, chướng ngại vật, đánh hơi, tấn công… Sau đó, theo kỹ năng vượt trội của từng cảnh khuyển, các chú chó sẽ được phân chia huấn luyện theo các chuyên ngành, sở trường của mình.
Những cá thể chó trước khi được đưa vào huấn luyện phải được tuyển chọn, đảm bảo đủ điều kiện về ngoại hình, thần kinh...
Công tác huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ là một nghề đặc thù và rất vất vả thậm chí, còn nguy hiểm đến tính mạng của cán bộ chiến sỹ trong quá trình huấn luyện. Một số chiến sỹ trong quá trình huấn luyện đã bị chó cắn và phải đi tiêm phòng bệnh dại…
Là người đã gắn bó với công việc huấn luyện chó nghiệp vụ hơn 4 năm qua, Thượng úy Hà Thu Trang chia sẻ, từ khi còn nhỏ tôi đã rất yêu quý động vật, đặc biệt là con chó. Và khi được nhận nhiệm vụ về công tác tại Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ tôi cảm thấy rất vui. Ban đầu khi mới nhận chó thì sẽ tốn nhiều thời gian để chăm sóc và huấn luyện nó.
Có khi cũng không chăm sóc được gia đình và phải nhờ chồng hỗ trợ việc nhà. “Nhiều lúc con tôi bảo mẹ còn yêu chó hơn con…lúc ấy tôi cũng cảm thấy rất buồn và thương con”, Thượng úy Hà Thu Trang cho hay.
Thượng úy Hà Thu Trang cũng chia sẻ thêm, sau một thời gian giải thích và tâm sự với gia đình về công việc của mình,chồng và các con cũng hiểu và thông cảm cho mình hơn.
Công việc huấn luyện được bắt đầu từ lúc 5h sáng, cán bộ sẽ xuống chuồng kiểm tra sức khỏe chó nghiệp vụ để đảm bảo việc huấn luyện được tốt nhất. Nếu thấy chú cảnh khuyển nào ủ dột, tiếng sủa không to, vang hoặc có biểu hiện “trái gió trở trời” là phải đưa xuống bệnh xá thú y ngay lập tức.
Đỗ Quân