1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

Chiếc máy thở diệu kỳ ra đời từ tình hiếu nghĩa

(Dân trí) - Anh chế tạo ra chiếc máy thở cá nhân vì thương cha đau yếu, thương mẹ bạc mắt mỗi đêm lo từng nhịp thở của chồng. Sáng tạo của anh đã trở thành cứu cánh cho những bệnh nhân nghèo bị liệt cơ hô hấp phải sống dựa hoàn toàn vào máy thở.

Chiếc máy thở diệu kỳ ra đời từ tình hiếu nghĩa - 1

Động lực khiến anh chế tạo ra chiếc máy thở là tình yêu đối với các bậc sinh thành

Vì tình yêu dành cho người cha thương binh nặng, vì thương mẹ và các chị gái đã lâu lắm rồi chưa được một giấc ngủ ngon, anh Võ Minh Đức đã mày mò và chế tạo thành công chiếc máy thở cá nhân dành cho những bệnh nhân bị liệt cơ hô hấp nặng.

Chế tạo máy thở vì thương cha mẹ

Chúng tôi tìm về xóm 3, xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, Nghệ An vào một ngày đầu năm 2011. Hỏi nhà anh Võ Minh Đức nhiều người không biết vì người thân quen gọi anh là Hà, nhưng hỏi người chế tạo thành công chiếc máy thở cá nhân thì ai cũng rành: "Anh Hà điện tử ấy à. Từ hồi anh ấy chế tạo được cái máy đó, có nhiều người đến hỏi để mua lắm".

Sinh năm 1977, năm nay đã hơn 30 tuổi nhưng anh Đức có vẻ ngoài khá trẻ, khuôn mặt thư sinh và đôi mắt sáng nhưng cơ thể có phần yếu ớt. Bà Huân, mẹ anh, nói: "Không biết thằng Đức có nhiễm chất độc da cam hay không (bố anh từng chiến đấu ở chiến trường B) nhưng nó ốm yếu lắm. Đến 25 tuổi mẹ vẫn phải cõng trên lưng vì chân yếu quá, không đi lại được nhiều. Đau yếu thường xuyên nhưng được cái nó thông minh lắm".
Sau này lấy vợ, sinh con, anh Đức trở thành người đàn ông trụ cột gia đình, sức khỏe cũng đỡ hơn trước. Hiện anh đang sở hữu một kiốt sửa chữa điện tử, điện dân dụng khá đắt khách ở quê nhà. Nhưng suốt 4-5 tháng nay, kiốt phải đóng cửa suốt ngày vì chủ nhân của nó đang tập trung thời gian lắp máy thở cá nhân theo đơn đặt hàng của người nhà bệnh nhân khắp nơi gửi đến. Câu chuyện về chiếc máy thở bắt nguồn từ căn bệnh của người cha.
Chiếc máy thở diệu kỳ ra đời từ tình hiếu nghĩa - 2

Phải mất gần một tháng chạy đôn chạy đáo tìm động cơ phù hợp và thử nghiệm, chiếc máy mới phát huy được công dụng của mình: hỗ trợ các bệnh nhân bị liệt cơ hô hấp
 
Tháng 3/2010, ông Võ Văn Tùng - bố anh Đức - bị cảm hàn biến chứng và phải nhập viện điều trị. Hết bệnh viện địa phương đến bệnh viện trung ương bệnh tình của ông cũng không thuyên giảm mà càng trở nên trầm trọng hơn, các cơ hô hấp dần bị liệt không thể tự thở được. Để duy trì sự sống, các bác sỹ phải đặt nội khí quản cho ông. Từ đây cuộc sống của ông phải hoàn toàn phụ thuộc vào chiếc máy thở của bệnh viện. Sau 5 tháng điều trị, tiền bạc, của cải tích góp của gia đình đều đổ vào nuôi chiếc máy.
 
Bệnh viện đông bệnh nhân, trong khi đó máy thở phải ưu tiên cho các bệnh nhân cấp cứu. Gia đình quyết định xin cho ông Tùng xuất viện về nhà. Từ đó các thành viên trong gia đình phải thay nhau bóp chiếc bình thở bằng nhựa để giúp ông Tùng thở. "Đó là quãng thời gian vất vả, cực nhọc nhất của mẹ, chị gái và vợ chồng em. Phải có người túc trực và bóp bình thở cho ông 24/24h, không được lơi là một giây. Có những hôm, mẹ, vợ và các chị em mệt quá, thiếp đi là toàn thân bố tím tái vì thiếu khí thở. Cả nhà thiếu ngủ triền miên, lượng khí cung cấp cho ông thực hiện bằng tay nên không đủ vì không phải lúc nào mọi người cũng tỉnh táo", Đức kể.
 
Thương người bố bệnh tật, đối mặt với nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào nếu người thân sơ suất. Thương mẹ, thương chị gái và vợ bạc mắt mỗi đêm bóp ống thở, anh Đức trằn trọc nhiều đêm và cho ra đời ý tưởng về một chiếc máy thở tự chế. "Tại sao không sử dụng một động cơ chạy điện để thay thế những bàn tay rã rời do phải bóp ống thở mỗi giây", anh nghĩ và bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng của mình.

Cứu cánh cho những bệnh nhân nghèo bị liệt cơ hô hấp

Ý tưởng làm một chiếc máy thở cá nhân để hỗ trợ cho từng nhịp thở khó nhọc của cha, để giảm bớt sự vất vả, mệt mỏi trên khuôn mặt của những người thân yêu trong gia đình ra đời chỉ trong một khoảnh khắc lóe sáng của cơ thể mệt mỏi rã rời. Thế nhưng để biến ý tưởng thành sản phẩm thực sự thì đó là cả một hành trình.

Chỉ cần có một động cơ gắn với trục khuỷu. Chiếc trục khuỷu sẽ được gắn cố định vào một điểm và đè lên chiếc bình thở. Chuyển động của động cơ kéo theo sự chuyển động nhịp nhàng lên xuống của cần khuỷu sẽ làm bình thở co bóp hút không khí từ bên ngoài đẩy vào dây dẫn khí cung cấp tận buồng phổi của bệnh nhân. Lý thuyết thì là vậy nhưng tìm được một động cơ có vòng quay phù hợp với nhịp thở của bệnh nhân thật không dễ chút nào.
Chiếc máy thở diệu kỳ ra đời từ tình hiếu nghĩa - 3
Bệnh nhân của Bệnh viên Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đang sử dụng máy thở cá nhân của Đức chế tạo
 
Anh Đức cho biết: "Ban đầu mình định dùng động cơ của máy bơm nước nhưng tốc độ quay của nó quá lớn. Mình chuyển sang thử nghiệm với động cơ được sử dụng trong việc nướng thịt thường thấy tại các điểm bán thịt vịt, thịt lợn nướng. Cả hai động cơ này đều bị nóng lên nếu sử dụng liên tục trong một thời gian dài do đó nó sẽ không bền". Thất bại nhưng không nản lòng, anh tìm đến các gara sữa chữa ô tô ở thành phố Vinh để tìm một loại động cơ thỏa mãn với các tiêu chí: Có vòng quay phù hợp với nhịp thở và có thể sử dụng lâu dài.
 
Trời không phụ lòng người, một người bạn của anh đã đưa đến cho anh động cơ của máy photocopy. Vòng quay của chiếc máy này phù hợp nhất với ý tưởng ban đầu mà anh đưa ra. Sau khi lắp ghép thành công, chiếc máy thở nhanh chóng được đưa vào thử nghiệm. Thế nhưng kết quả lại không như ý muốn. Vòng quay của chiếc máy quá nhanh đối với nhịp thở yếu ớt của ông Tùng. Mặt khác với dòng điện 220V thì chiếc máy sẽ bị cháy. "Đưa chiếc máy vào thử nghiệm, mình phải chạy đi chạy lại giữa ốt và giường ông cụ phải đến hàng trăm lần để điều chỉnh vòng quay của động cơ về 20 vòng/phút. Phải chế tạo thêm một dụng cụ nắn dòng điện từ điện áp 220V xuống 12V.
 
"Với bộ nắn dòng này, điện áp sinh hoạt có bị chập chờn đi nữa thì động cơ vẫn hoạt động bình thường. Lượng khí cung cấp của bệnh nhân luôn ổn định", anh Đức chia sẻ. Phải mất 20 ngày lắp ráp, điều chỉnh, chiếc máy thở cá nhân của anh Đức mới thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Từ đấy, những người thân khác trong gia đình anh mới được thảnh thơi hơn một chút.
 
Tuy nhiên, do sức khỏe quá yếu, sau 2 tháng thở máy, cha anh đã ra đi. Đúng 3 ngày sau khi ông cụ mất, có người tìm đến nhà đặt vấn đề xin được thuê hoặc mua lại chiếc máy thở ông Tùng vừa dùng.
Chiếc máy thở diệu kỳ ra đời từ tình hiếu nghĩa - 4
Cái khó nhất là tìm được động cơ có vòng quay phù hợp với nhịp thở của bệnh nhân
 
Cảm thông với nỗi vất vả của họ mà gia đình mình cũng từng nếm trải, anh Đức quyết định tặng lại chiếc máy cho người bệnh nhân đó. Cơ thể yếu ớt của anh càng teo tóp hơn khi nhiều ngày phải chạy xe máy từ Nam Kim xuống Vinh để điều chỉnh máy cho phù hợp với bệnh nhân. "Đổ bao nhiêu mồ hôi, công sức và tiền của vào chiếc máy ấy, cho mà không thấy tiếc sao?" - Tôi hỏi. Anh Đức nhỏ nhẹ: "Tính ra chi phí để làm một chiếc máy thở lên tới 7 triệu đồng nhưng cái quan trọng nhất là nó có thể giúp ích được cho người khác".
 
Tiếng lành đồn xa, người nhà bệnh nhân ở khắp nơi tìm đến nhà anh Đức đặt làm máy thở. "Khó khăn nhất là tìm được một động cơ phù hợp với nhịp thở của từng bệnh nhân. Hiện nay có gần chục đơn đặt hàng, em tìm được hơn 20 cái mô tơ nhưng mới chỉ lắp được một chiếc máy cho một gia đình ở Hưng Nguyên". Người may mắn đó chính là bà Nguyễn Thị Vân ở xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên.
 
Ông Trần Anh Năng, chồng bà Vân phấn khởi: "Bà nhà tôi nằm liệt giường phải thở máy hai năm nay rồi. Cứ mỗi ngày hết gần 300 nghìn tiền máy. Không còn tiền để chi trả cho bệnh viện, gia đình quyết định đưa bà ấy về nhà và thay nhau bóp ống thở. Mới được 4 ngày mà chịu không nổi, lại phải đưa bà ấy trở lại bệnh viện. Nhờ cái máy thở này của anh Đức, gia đình bệnh nhân nghèo như chúng tôi đỡ được bao nhiêu tiền bạc và công sức".
 
Nhận xét về công dụng của chiếc máy thở cá nhân này, Bác sỹ Nguyễn Danh Linh - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An - cho biết: "Tôi đánh giá cao sáng kiến này. Quan kiểm tra thực tế tại bệnh viện, chiếc máy thở cá nhân này không những hỗ trợ những bệnh nhân khi các cơ hô hấp không thể hoạt động, tiết kiệm thời gian, sức lực, tiền của cho thân nhân của họ mà còn giải quyết tình trạng thiếu thiết bị của bệnh viện. Tôi hy vọng rằng chiếc máy này sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn không chỉ ở gia đình các bệnh nhân mà còn ở các bệnh viện tuyến trên".
 
Sắp tới anh Đức sẽ tiến hành đăng ký bảo hộ cho sáng kiến "máy thở cá nhân" của mình. Với mong muốn kéo dài sự sống cho các bệnh nhân và giúp thân nhân của họ giảm bớt công sức, anh vẫn đang miệt mài nghiên cứu thể trạng của mỗi bệnh nhân để lắp những chiếc máy thở phù hợp với từng người bệnh.
 
Hoàng Lam - Tuệ Anh