1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Chỉ mong đánh xe đi đăng kiểm xong có thể quay về uống cà phê"

Hoài Thu

(Dân trí) - "Cơn bão" đăng kiểm sớm dịu lại là kỳ vọng của nhiều chủ doanh nghiệp vận tải và người dân. Họ chỉ mong sau khi đánh xe đi đăng kiểm có thể quay về uống cà phê, không phải nghĩ đến chuyện bắt bớ.

Những chia sẻ về khó khăn, áp lực hay cùng bàn tính câu chuyện giải pháp để hóa giải "áp lực đăng kiểm" được các chuyên gia, nhà quản lý đề cập trong tọa đàm chiều 15/3 về "Giải pháp gỡ khó cho ngành đăng kiểm", do báo điện tử Dân trí tổ chức.

Buổi tọa đàm diễn ra trong bối cảnh ngành đăng kiểm đang phải đối mặt với cơn khủng khoảng chưa từng có tiền lệ. Người dân, doanh nghiệp cũng lâm vào cảnh khổ sở khi mỗi lần đi đăng kiểm xe trở thành "nỗi khổ không của riêng ai".

Kỳ vọng đăng kiểm bớt sóng gió

Là một trong những người trực tiếp chịu ảnh hưởng của "cơn bão" đăng kiểm, song ông Đỗ Văn Bằng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, chủ doanh nghiệp vận tải Sao Việt, ủng hộ chuyên án của Bộ Công an trong điều tra, khởi tố và xử lý tiêu cực trong vấn đề đăng kiểm.

Đánh giá cao trách nhiệm của Chính phủ và các bộ trong xử lý vấn đề đăng kiểm, ông Bằng nhìn nhận việc các lực lượng công an, quân đội "chi viện" cho đăng kiểm thực ra không phải giúp đăng kiểm, mà là giúp người dân bởi đây chính là nhu cầu của người dân.

Chỉ mong đánh xe đi đăng kiểm xong có thể quay về uống cà phê - 1

Ông Đỗ Văn Bằng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, chủ doanh nghiệp vận tải Sao Việt (Ảnh: Hữu Nghị).

Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý, chủ doanh nghiệp vận tải Sao Việt khuyến cáo các chủ doanh nghiệp vận tải nên chủ động "tính sớm" đăng kiểm cho phương tiện của mình. "Theo quy định, phương tiện tham gia giao thông trước khi hết đăng kiểm 7 - 10 ngày phải đưa xe đi kiểm định, nhưng trong tình hình nóng thế này, văn bản pháp luật lại không thể thay đổi trong một sớm một chiều thì các chủ doanh nghiệp có thể chuẩn bị đăng kiểm sớm 15 - 20 ngày", ông Bằng nói.

Ông cho rằng sau "cơn bão" đăng kiểm, điều doanh nghiệp và người dân cần nhất là "được việc" nhưng điều này lại đang ách tắc khiến doanh nghiệp, người dân rất bức xúc.

Mong mỏi lớn nhất của người dân, doanh nghiệp lúc này, theo ông Bằng, là cơn bão đăng kiểm sớm dịu lại. "Chúng tôi đánh xe đi đăng kiểm chỉ mong có thể quay về uống cà phê, làm kinh doanh chứ không phải nghĩ gì đến câu chuyện bắt bớ của ngành đăng kiểm", theo lời ông Bằng.

Là người tham gia kinh doanh vận tải trong thời gian khá dài và chứng kiến nhiều thăng trầm của ngành, cũng từng là người lái xe, nhiều lần đưa xe đi đăng kiểm, ông Bằng cho rằng cần có một cái nhìn tổng thể, công bằng để thấy rằng ngành đăng kiểm đã "thay da đổi thịt" rất nhiều so với hơn 20 năm về trước.

Cùng với việc được "khoác áo mới" với nhiều trang bị, hạ tầng hiện đại, ngành cũng góp phần giúp kéo giảm tỷ lệ tai nạn giao thông trong bối cảnh phương tiện giao thông đang gia tăng chóng mặt.

"Với tư cách người quản lý doanh nghiệp, tôi hy vọng sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công an và Bộ GTVT để "cơn bão" đăng kiểm dừng sóng gió,  việc đi đăng kiểm phương tiện của người dân nhẹ nhàng, thuận lợi, thay vì áp lực, khủng hoảng như hiện nay", ông Bằng nói.

Sắp có thêm hàng trăm đăng kiểm viên

Từ góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Vũ Hải nhận định khủng hoảng đăng kiểm vừa qua là bài học đắt giá để những người trong ngành nhìn nhận lại trách nhiệm của mình.

Thông tin thêm về tình hình thiếu hụt nhân sự trong công tác này, ông Hải thừa nhận có tình trạng ùn ứ tại các đơn vị đăng kiểm, nhất là ở Hà Nội, TPHCM.

Sau khi có chỉ đạo của Chính phủ và sự hỗ trợ của lực lượng CSGT, tình hình này đang dần được tháo gỡ.

Chỉ mong đánh xe đi đăng kiểm xong có thể quay về uống cà phê - 2

Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Vũ Hải (Ảnh: Hữu Nghị).

"3 ngày qua, CSGT đã tăng cường 50 cán bộ tại 10 đơn vị đăng kiểm ở Hà Nội và 9 đơn vị ở TP.HCM. Cuối tuần này, quân đội sẽ tăng cường 30 - 50 chiến sĩ cho những nơi còn thiếu đăng kiểm viên. Với sự hỗ trợ hiệu quả như vậy, hiện nay các đơn vị đăng kiểm đã từng bước giảm ùn tắc, đáp ứng nhanh hơn nhu cầu của người dân và xã hội", ông Hải thông tin.

Dù đây chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng theo ông, rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện tại.

Về lâu dài, ông Hải cho biết đã yêu cầu tất cả đơn vị đăng kiểm trong cả nước có kế hoạch tuyển dụng đăng kiểm viên trong năm 2023.

"Với các đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, chúng tôi đã có kế hoạch tuyển dụng 142 đăng kiểm trong năm nay để bù đắp lượng thiếu hụt", ông Hải cho hay việc tuyển dụng có thể hoàn thành vào đầu tháng 4.

Mặt khác, Cục Đăng kiểm đang rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến điều kiện hoạt động của các đơn vị đăng kiểm, trong đó Nghị định 139 và Thông tư 16 quy định công tác đăng kiểm giao thông vận tải. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất cho đơn vị bảo hành, bảo dưỡng của các nhà sản xuất, nhập khẩu chính hãng phương tiện ô tô có thể tham gia chuỗi hoạt động kiểm định giao thông vận tải.

Bộ GTVT cũng đã báo cáo Chính phủ đề xuất xem xét tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và chức năng tổ chức thực hiện của các lực lượng đăng kiểm.

"Chúng tôi đã tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đệ trình sửa đổi bổ sung Thông tư 16, trong đó đề xuất miễn kiểm lần đầu với xe sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu. Chiều nay Thứ trưởng Bộ GTVT đang chủ trì cuộc họp cuối cùng thông qua dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 16", Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho hay.

Với giải pháp sử dụng các cơ sở bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, nhập khẩu mà đáp ứng yêu cầu… được tham gia vào công tác kiểm định, hiện nay, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng đề nghị cho phép sửa đổi, bổ sung Nghị định 139 theo quy trình rút gọn để sớm tính đến phương án này.