Chi “đẹp”, có số xe đẹp!
Sau gần một năm triển khai qui trình đăng ký, cấp biển số xe qua hệ thống chọn số ngẫu nhiên trên máy vi tính, ở TPHCM tình trạng mua bán biển số đẹp vẫn diễn ra công khai. Mua số đẹp bằng cách nào? Giá bao nhiêu?
Mua số đẹp qua “cò”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, muốn mua số đẹp phải thông qua “cò”. “Cò” có mặt ở tất cả các điểm đăng ký xe và đại lý, cửa hàng xe máy. Nếu thích số nào, khách hàng đặt vấn đề với “cò”.
Chiều 5/4, chúng tôi theo chân hai cha con ông Hòa (ngụ Q.3) đến cửa hàng TT (Lý Tự Trọng, Q.1) mua chiếc Future Neo. Người con trai nằng nặc đòi số 2020, đăng ký ở Q.1 (nhờ người thân đứng tên). Theo lời giới thiệu của chủ cửa hàng, ông Hòa đến gặp Tú, chủ cửa hàng bán xe và là một “cò” biển số xe ở Q.1. Tú gọi điện cho một người tên H. (số điện thoại 0908123...) hỏi số rồi trả lời chắc nịch: “Số 2020 còn, giá 2 triệu, nếu đồng ý lấy thì em dặn người ta để dành, ngày mai lấy”.
Ông Hòa hỏi có cần lên điểm đăng ký xe bấm số không (nhấp chuột chọn số ngẫu nhiên), Tú nói: “Đã lấy rồi còn bấm làm gì nữa, mọi thủ tục đăng ký ở đây lo hết”. Ông Hòa đồng ý lấy số 2020 với giá 2 triệu. Tú lấy điện thoại gọi số... và dặn: “Để cho anh số 2020 nghe, anh nhận hồ sơ của người ta rồi đó”. Ông Hòa để lại hồ sơ giấy tờ xe cho Tú và ra về.
Chiều 6/4, Tú gọi cho ông Hòa thông báo: “Đã lấy được biển số”. Khi ông Hòa có mặt tại cửa hàng thì Tú cũng vừa về tới. Tú mở cốp xe lấy ra biển số 52T7-2020 giao cho ông Hòa. Ông Hòa hỏi bớt chút đỉnh được không, Tú nói: “Đưa người ta hết 1,5 triệu rồi, đâu còn bao nhiêu”.
Ông Hòa ngỏ ý muốn mua thêm chiếc SH, lấy số 2345 hoặc 7878. Tú hứa chắc nịch: “Nếu anh “thương” số 2345 thì một tuần nữa có, giá 3 “chai” (3 triệu đồng). Số 7878 cũng bằng giá. Nếu 7979 còn thì từ 5 “chai” trở lên”. Tú cho biết khi có người cần mua số đẹp là anh gọi điện đặt số. Nếu bên kia đồng ý (tức còn số) thì thỏa thuận giá cả, thời gian giao “hàng”.
Tại điểm đăng ký xe 36 Mạc Cửu, Q.5, chúng tôi gặp một “rừng cò” đang bao vây người đi đăng ký xe để chào mời, ngả giá biển số đẹp. Trong các quán cà phê MH, N, M... “cò” tụm năm tụm ba bàn bạc, làm giá. Bên trong điểm đăng ký xe, “cò” chạy lăng xăng ra vào ký giấy, nộp tiền, lấy biển số, đăng ký...
Theo tìm hiểu, ở đây có khoảng 30 “cò” hoạt động, trong đó có Hằng, Nga, Trang, Dũng, Mi... Gặp “cò” Nga chúng tôi hỏi biển số 9 “nút” giá bao nhiêu, Nga nói 500.000 đồng, sáng đăng ký chiều có ngay. “Cò” Dũng cho biết: “Lúc trước chưa bấm vi tính thì 9 nút chỉ 300.000, nay mắc hơn”.
Vẫn có kẽ hở?
Thượng tá Phạm Văn Thịnh, trưởng Phòng CSGT đường bộ Công an TPHCM:
Sau một năm triển khai việc cấp biển số ngẫu nhiên bằng máy tính, tôi dám khẳng định phần mềm của Genpacific là rất tốt, tôi rất yên tâm về tính minh bạch của nó. Sắp tới, Phòng CSGT đường bộ sẽ triển khai việc đăng ký xe cho sáu quận, huyện ngoại thành TPHCM bằng hệ thống tự động này.
Về thông tin bán biển số đẹp tôi cũng có nghe dư luận đồn đại từ lâu. Đích thân tôi đi kiểm tra nhưng chưa phát hiện được gì. Tại các đội đăng ký xe, cứ một cửa (một quận) là có một đồng chí được giao nhiệm vụ đưa số vào kho, hết 1.000 lại đưa tiếp 1.000 số khác vào. Tôi nghĩ không có chuyện lấy số ra ngoài bán đâu. |
Chiều 12/4, ông Triệu Văn Tiến, chuyên viên Công ty công nghệ thông tin Genpacific (thuộc Tổng công ty Điện tử & tin học VN), một trong hai tác giả phần mềm “Áp dụng chương trình cấp biển số xe ngẫu nhiên”, cho biết: “Có nghe thông tin về việc mua bán biển số từ lâu”.
Sau khi nghe ông Tiến giới thiệu qui trình cấp biển số tự động hóa, chúng tôi hỏi về độ tin cậy của chương trình, ông Tiến khẳng định: “Số ngẫu nhiên do máy tính chọn, không ai có thể can thiệp lấy số theo ý muốn”. Tuy nhiên ông Tiến cũng nhìn nhận: “Chương trình này không phải là một hệ thống thông tin hoàn chỉnh, chỉ là công cụ hỗ trợ công tác quản lý, nhằm hạn chế các tiêu cực có thể xảy ra”.
Chúng tôi hỏi những khả năng nào có thể xâm nhập hệ thống để lấy biển số mà máy tính không báo lỗi, ông Tiến nói: “Khó lắm. Những số nào đã đưa vào cơ sở dữ liệu của máy tính thì không thể tự động lấy ra ngoài để bán được”.
Nhưng tại sao biển số đẹp vẫn được bên ngoài mua bán công khai? Theo ông Tiến, chương trình phần mềm này do ông viết chung với một người bạn (giai đoạn đầu) trong hai tháng. Ngày 12/6/2006, Genpacific chuyển giao công nghệ cho Phòng CSGT đường bộ Công an TPHCM với thời gian bảo hành, bảo trì sáu tháng.
Hết thời gian bảo hành, ngày 12/12/2006, ông Tiến bàn giao mật khẩu, kho biển số xe cho một cán bộ tên H. (Phòng CSGT, hiện đã nghỉ hưu). Sau đó mật khẩu sẽ được chuyển giao cho những người được quản trị mạng phân công phụ trách tại các điểm đăng ký. Khi seri số gần hết thì người được giao nhiệm vụ quản lý kho số sẽ vào hệ thống để đưa seri số mới vào.
Ông Tiến cho biết: “Trong thời gian còn bảo hành, tôi trực tiếp đưa số vào theo qui tắc đánh số 0001 - 9999 là tự động cập nhật từ số 0001 - 9999”. Chúng tôi đưa ra tình huống nếu người giữ mật khẩu không đưa liên tục từ 0001-9999 mà chọn từng số hoặc từng dãy số theo ý muốn để đưa vào thì có được không, ông Tiến khẳng định là được.
Chúng tôi hỏi: “Nếu đưa số từ 0001 - 0008 (từ số 0001 - 0008) sau đó bỏ qua 0009 và tiếp tục là 0010, 0011... 1110, 1112, (bỏ tứ quí 1111 ra ngoài), 1113... có được không?”. Ông Tiến nói được. Ông Tiến thừa nhận việc muốn đưa số này vào bỏ số kia ra là tùy thuộc người được giao mật khẩu quản lý kho số. Phải chăng đây là “lỗ hổng” mà số đẹp đã bị tuồn ra ngoài. Theo ông Tiến, nếu số nào bị bỏ ra ngoài thì trên màn hình không hiển thị và dễ dàng phát hiện số nào bị “lọt sổ” (nếu kiểm tra hệ thống).
Ông Tiến còn nói rằng khi nghe thông tin số đẹp bị rao bán ra ngoài, chính ông đã đưa ra một số giải pháp tình thế, trong đó quan trọng nhất phải kiểm soát chặt khâu quản lý, cập nhật kho biển số.
Theo Hoàng Khương
Tuổi Trẻ