1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Chỉ đánh bắt hải sản ở vùng biển Việt Nam mình thôi"

Huỳnh Hải

(Dân trí) - "Tôi chỉ dám đánh bắt thủy hải sản trong ranh giới vùng biển Việt Nam mình thôi, không dám đánh bắt vùng biển nước ngoài đâu, qua đó bị bắt thì sao", một thuyền trưởng tàu cá Bạc Liêu chia sẻ.

Một ngày gần cuối tháng 4, phóng viên Dân trí đã theo đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bạc Liêu trực tiếp ra vùng biển Bạc Liêu để ghi nhận tình hình hoạt động của các tàu cá trong việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (gọi tắt là IUU).

Chỉ đánh bắt hải sản ở vùng biển Việt Nam mình thôi - 1

Lực lượng chức năng kiểm tra một tàu cá Bạc Liêu (Ảnh: Huỳnh Hải).

Thời gian qua, đa số ngư dân Bạc Liêu chấp hành tốt quy định về chống khai thác IUU. Mới đây, lực lượng chức năng kiểm tra hơn 10 tàu thì các tàu đầy đủ thủ tục hồ sơ, chỉ có một số lỗi nhỏ đều được khắc phục kịp thời.

Anh T. (thuyền trưởng một tàu cá Bạc Liêu) cho biết, trước khi ra biển đánh bắt thủy sản, tàu của anh đều chuẩn bị đầy đủ giấy tờ theo quy định. Tàu ký xuất bến qua Đồn biên phòng, đảm bảo lịch trình, thiết bị giám sát,...

"Mình chỉ dám đánh bắt hải sản trong ranh giới vùng biển Việt Nam mình thôi, không dám đánh bắt vùng biển nước ngoài đâu, qua đó mà bị bắt thì biết làm sao", thuyền trưởng T. chia sẻ và cho biết các ngành chức năng luôn tuyên truyền cho các tàu cá cần tuân thủ các quy định.

Chỉ đánh bắt hải sản ở vùng biển Việt Nam mình thôi - 2

Hầu hết các tàu cá đều chấp hành quy định khai thác trong vùng biển Việt Nam, không dám ra vùng biển nước ngoài (Ảnh: Huỳnh Hải).

Theo một thuyền trưởng tàu cá đánh bắt hải sản ở vùng biển Bạc Liêu, thời gian gần đây nghề biển cũng gặp không ít khó khăn như ít sản phẩm, giá xăng dầu tăng, chi phí sinh hoạt cao,...

Trong khi đó, nhiều ngư dân theo nghề biển cũng bày tỏ việc phải lênh đênh trên biển thời gian khá dài nhưng thu nhập còn khá thấp. Vì công việc mưu sinh nên họ bám biển.

"Tôi theo nghề biển cũng mấy chục năm rồi, thường theo tàu cá ở Sông Đốc Cà Mau, mỗi tháng thu nhập 7-8 triệu đồng, cũng không cao lắm. Tôi chỉ mới qua tàu ở Bạc Liêu và hy vọng việc đánh bắt dồi dào để có thu nhập tốt hơn", ông Phương (53 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) bày tỏ. 

Chỉ đánh bắt hải sản ở vùng biển Việt Nam mình thôi - 3

Một ngư dân theo tàu cá Bạc Liêu. Ông cho biết nghề biển cũng bấp bênh (Ảnh: Huỳnh Hải).

Tỉnh Bạc Liêu có bờ biển dài 56km, với vùng biển do tỉnh quản lý hơn 20.740km2. Toàn tỉnh có hơn 890 phương tiện tàu cá đăng ký hoạt động, trong đó có khoảng 447 tàu chiều dài từ 15m trở lên; còn lại các tàu dài từ 6m đến dưới 15m.

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, trong quá trình kiểm tra trên biển, lực lượng chức năng bám sát thực hiện nghiêm túc 4 khuyến cáo của Ủy ban Châu Âu (EC) là đảm bảo quản lý đội tàu, quản lý giám sát hành trình, xử lý vi phạm, truy xuất nguồn gốc để đảm bảo chống khai thác IUU một cách hiệu quả.

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh chưa phát hiện trường hợp có dấu hiệu đưa tàu và ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Chỉ đánh bắt hải sản ở vùng biển Việt Nam mình thôi - 4

Trong quá trình kiểm tra trên biển, khi thấy một tàu cá có cờ Tổ quốc đã cũ, đoàn kiểm tra đã tặng cờ mới cho tàu. Việc treo cờ Tổ quốc là quy định, cũng vừa để khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương (Ảnh: Huỳnh Hải).  

Ông Trần Xí Khuôl, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, phụ trách Phòng Kiểm ngư, cho biết khó khăn hiện nay là lực lượng kiểm ngư của tỉnh còn mỏng. Phòng mới có 4 người và chỉ có một tàu kiểm ngư nên công tác kiểm tra, kiểm soát chưa đều khắp trên biển.

"Vì thế, đề nghị Trung ương hỗ trợ cho tỉnh thêm tàu kiểm ngư, một số trang thiết bị và tăng biên chế,...  để lực lượng kiểm ngư hoạt động tốt hơn nữa trong thời gian tới", ông Khuôl kiến nghị.