1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chánh án Nguyễn Hòa Bình:

"Chỉ có 6.000 thẩm phán, người đâu đi thu thập chứng cứ cho 600.000 vụ án?"

Hoa Lê

(Dân trí) - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu thực tế chỉ có 6.000 thẩm phán nhưng phải giải quyết 600.000 vụ án mỗi năm nên gặp khó khăn trong thu thập chứng cứ.

Tòa án hỗ trợ bằng các quyết định giao nộp chứng cứ

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại buổi thảo luận về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi chiều 22/11.

Làm rõ vấn đề xét xử giải quyết các vi phạm hành chính theo Luật định, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, hiện Luật quy định Tòa án giải quyết 4 nhóm vi phạm hành chính là đưa người đi chữa bệnh bắt buộc, đưa người vào trường giáo dưỡng, vi phạm các quy định tố tụng… Trong tương lai, luật cho thêm việc gì, Tòa làm thêm việc đó. 

Về giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu, đây là việc áp dụng pháp luật trong xét xử, gắn với các tình huống pháp lý cụ thể và đã ghi trong Bộ luật Tố tụng dân sự.

Chỉ có 6.000 thẩm phán, người đâu đi thu thập chứng cứ cho 600.000 vụ án? - 1

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình (Ảnh: Quốc hội).

Việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân lần này quy định thể hiện rõ đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của thẩm phán. Theo đó, trong một vụ án, tòa án vận dụng điều luật nào thì phải giải thích tại sao lại áp dụng điều đó.

Về việc thu thập chứng cứ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho rằng, nhân dân chờ đợi phán quyết công tâm, khách quan, công bằng, chứ không phải chờ đợi việc thu thập chứng cứ xong xét xử trên các chứng cứ do mình thu thập mà xem nhẹ các chứng cứ của các bên khác.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, sẽ chỉnh lý quy định theo hướng khi có yêu cầu của người dân, cả bên nguyên và bên bị khi không thể thu thập chứng cứ thì Tòa án hỗ trợ bằng các quyết định giao nộp chứng cứ mà các cơ quan Nhà nước và tổ chức cá nhân phải có nghĩa vụ cung cấp cho người dân. Nếu các bên không chấp hành lệnh của Tòa án, sẽ bị xử phạt theo Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành.

"Một năm, chúng tôi giải quyết 600.000 vụ án, chỉ có 6.000 thẩm phán. Người đâu mà đi thu thập chứng cứ cho 600.000 vụ án?", Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đặt câu hỏi.

Thanh tra, kiểm tra trong quá trình tố tụng

Về tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, đây là nội dung nhằm thể chế hóa Nghị quyết 27-NQ/TW.

Về tòa phúc thẩm vẫn xử sơ thẩm, Chánh án cho biết thực tế nhiều nước Tòa án tối cao vẫn xét xử sơ thẩm. Tên gọi là tòa án phúc thẩm hay sơ thẩm là nhiệm vụ chính yếu, chủ yếu là xử sơ thẩm thì gọi là tòa sơ thẩm, chủ yếu xử phúc thẩm thì là tòa án phúc thẩm.

Về ngạch bậc thẩm phán, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nêu, thực tế ở tòa án cấp huyện có gần 6.000 thẩm phán, trong đó từ khi vào tòa án đến khi về hưu đều chỉ được là thẩm phán sơ cấp dù giỏi, có khả năng làm rất nhiều việc.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, dự kiến ban đầu Ban soạn thảo thiết kế 3 loại Tòa án sơ thẩm chuyên biệt là Tòa hành chính, Tòa phá sản, Tòa sở hữu trí tuệ. Đây là 3 loại Tòa án rất khó, chuyên môn cao.

Chỉ có 6.000 thẩm phán, người đâu đi thu thập chứng cứ cho 600.000 vụ án? - 2

Chánh án Nguyễn Hòa Bình phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội (Ảnh: Quốc hội).

Tiếp thu thẩm tra của Ủy ban Tư pháp dành quyền quy định cụ thể cho Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật quy định chung về thành lập tòa sơ thẩm chuyên biệt.

Về vấn đề thanh tra, kiểm tra trong quá trình tố tụng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho rằng, thời hạn tố tụng quy định rất khắt khe. Trường hợp Tòa án chỉ có thời hạn 1 tháng từ khi hồ sơ chuyển sang phải giải quyết, khi đó mà phát sinh thanh tra hay giám sát thì sẽ không đảm bảo được thời hạn tố tụng.

Mặt khác tất cả những vi phạm do lỗi chủ quan ngay lập tức bị xử lý. "Tránh việc dùng biện pháp thanh tra, kiểm tra trong quá trình tố tụng để can thiệp vào hoạt động tư pháp", ông Bình nói.