Chỉ bỏ phiếu tín nhiệm từ Bộ trưởng trở lên

(Dân trí) - “Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ cấp cao là vấn đề đã được luật hóa, đề nghị sớm triển khai. Nhưng cần xem xét lại đối tượng, chỉ nên bỏ phiếu với chức danh tương đương Bộ trưởng trở lên” - Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu.

Sáng nay 27/4, UB Thường vụ Quốc hội tổ chức họp trực tuyến với các đoàn đại biểu bàn về đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Một trong những vấn đề vẫn gây tranh luận là đề xuất hằng năm tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Theo đề án, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm này sẽ được công bố công khai. Người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu Quốc hội hai lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc từ chức.

Tán thành giới hạn phạm vi đối tượng cán bộ bỏ phiếu tín nhiệm hẹp hơn, chỉ một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu: “Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ cấp cao là vấn đề đã được luật hóa, đề nghị sớm triển khai nhưng cần xem xét lại đối tượng, chỉ nên bỏ phiếu với chức danh tương đương bộ trưởng trở lên”.

Nếu tính toàn bộ các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, từ những vị trí lãnh đạo cao nhất của nhà nước Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước tới các Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ và toàn bộ nhân sự các cơ quan của Quốc hội, đoàn thư ký kỳ họp.

Về quy chế, quy định cụ thể đối tượng; quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm, đề án đề xuất giao UB Thường vụ Quốc hội xây dựng, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm 2012.

Bà Nga cho rằng, quy trình này xây dựng cần đơn giản và khả thi. Theo đó, nên có sự thay đổi mạnh mẽ ở điểm: từ trước khi Quốc hội bầu, các chức danh lãnh đạo cao nhất đến vị trí Bộ trưởng, mỗi ứng viên cần có một chương trình hành động cụ thể, trình bày trước Quốc hội để các đại biểu có thông tin, có căn cứ để lựa chọn cũng như bỏ phiếu tín nhiệm sau này.

Về thời gian bỏ phiếu đề xuất tiến hành hàng năm, bà Nga cho rằng chưa hợp lý. Vì một nhiệm kỳ 5 năm, nếu sau năm đầu tiên đã đánh giá Bộ trưởng làm hay chưa được gì, nhất là trong trường hợp không có chương trình hành động, thì rất khó bỏ phiếu tín nhiệm. Bà Nga đề xuất nên tiến hành việc bỏ phiếu tín nhiệm từ năm thứ 2 trở đi trong nhiệm kỳ.

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp cũng cho rằng việc không đạt số phiếu tín nhiệm cần thiết trong 2 năm liên tiếp đầu nhiệm kỳ chỉ nên coi như một lời nhắc nhở đối với Bộ trưởng, chưa thực hiện miễn nhiệm ngay.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) lại lo ngại khả năng khi bỏ phiếu, nếu một bộ trưởng nhận kết quả tín nhiệm quá thấp, chỉ được dưới 20% phiếu bầu hoặc ít hơn ngay năm đầu tiên, nếu không lương trước cơ chế xử lý sẽ rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Vì nếu tỷ lệ tín nhiệm thấp như vậy vẫn tại vị bộ trưởng cũng không còn đủ uy tín, niềm tin với Quốc hội, với cử tri. Ông Nam đề xuất hướng quy định trường hợp từ chức trong tình huống này.

Đại biểu Phạm Văn Tấn (Nghệ An) đề nghị cần quy định rõ “một số chức danh” được bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm chiếm tỷ lệ bao nhiêu và cơ sở của tỷ lệ này? Việc bỏ phiếu tiến hành tại kỳ họp giữa năm hay cuối năm và nếu người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu Quốc hội hai lần liên tiếp thì thời gian cụ thể được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc từ chức bắt đầu từ khi nào?

Bên cạnh nội dung bỏ phiếu tín nhiệm, đề án cũng nhấn mạnh một số định hướng đổi mới khác để các vị đại biểu thảo luận tại hội nghị. Cụ thể, vấn đề nghị quyết về trả lời chất vấn và trả lời chất vấn sẽ nêu rõ những nội dung tán thành, không tán thành với ý kiến người trả lời chất vấn.

Thay vì một kỳ họp, dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định được trình theo quy trình xem xét, thông qua tại hai kỳ họp.
 

Về nội dung rút ngắn thời gian mỗi kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Lê Thị Nga có quan điểm ngược lại, đề xuất không nên “o ép” về thời gian vì nếu không, một số báo cáo buộc phải “cắt giảm”, không đưa vào chương trình, giá trị thông tin mang lại vì thể không cao. Sau đó, dù không thảo luận, Quốc hội vẫn tổ chức biểu quyết về một số báo cáo khiến mỗi đại biểu cũng băn khoăn khi bấm nút.

Bà Nga lấy ví dụ, liên quan đến vấn nạn tai nạn, ùn tắc giao thông, tại kỳ họp thứ 3 (tháng 11/2011), Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có báo cáo số 256 nêu các giải pháp khắc phục tình hình. Tuy nhiên, Quốc hội không bố trí thời gian thảo luận về báo cáo này mà chỉ tiến hành hoạt động chất vấn đối với Bộ trưởng GTVT. Nhưng Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn lại thông qua chủ trương đề xuất. “Vậy nên giờ việc rất khó cho cả Quốc hội và Bộ trưởng” - bà Nga trần tình.

P.Thảo