1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Cần xác định bản chất bỏ phiếu tín nhiệm là... bất tín nhiệm"

(Dân trí) - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão cho rằng bỏ phiếu tín nhiệm bản chất là bỏ phiếu bất tín nhiệm, tức là khi có vấn đề thì mới bỏ phiếu. Ông Mão đề nghị mạnh dạn gọi “đúng tên” sự việc và làm ngay không một ngày chậm trễ.

Mất nhiều thời gian mà hiệu quả chưa chắc đã cao

Văn phòng Quốc hội vừa có Đề án đổi mới hoạt động của Quốc hội trong đó đề xuất, hằng năm Quốc hội sẽ tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm với Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao… Là đại biểu Quốc hội nhiều năm, ông có ý kiến gì về đề xuất này?

Năm 2001 khi chúng ta sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã bổ sung một số nội dung, trong đó có bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Quốc hội bầu và phê chuẩn. Khi đó, chúng ta đã thảo luận rất sôi nổi và thống nhất với nhau, việc bỏ phiếu tín nhiệm, bản chất là bỏ phiếu bất tín nhiệm, tức là khi có vấn đề thì mới bỏ phiếu. Nhưng dùng từ bỏ phiếu bất tín nhiệm nặng nề quá nên mới dùng từ bỏ phiếu tín nhiệm.

Cũng theo tinh thần ấy, luật tổ chức Quốc hội sau này ghi rõ, điều kiện để bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn là khi có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội hoặc kiến nghị của Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội.
“Bỏ phiếu tín nhiệm nhiều lãnh đạo hằng năm khó khả thi”

Luật quy định như vậy, nếu bây giờ chúng ta tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm với các chức danh đề cập ở trên thì căn cứ vào đâu?

Cũng cần nói thêm, nếu bỏ phiếu tín nhiệm với tất cả chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, con số lên đến hàng mấy trăm người thì quá nhiều, e rằng không làm nổi. Nhưng nếu chỉ bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số ít các chức danh, còn các chức danh khác không bỏ phiếu tín nhiệm thì vấn đề này sẽ được giải thích như thế nào?

Mặt khác, theo tôi hiểu, đại biểu Quốc hội chỉ bỏ phiếu tín nhiệm đối với các nhân sự khi mình đã hiểu rõ. Có nghĩa là người được (bị) bỏ phiếu tín nhiệm cần trình bày trước Quốc hội về công việc của mình để các đại biểu Quốc hội xem xét, đánh giá.

Như vậy, Quốc hội sẽ phải tiến hành một khối lượng công việc rất lớn, mất nhiều thời gian mà hiệu quả chưa chắc đã cao. Trong khi đó, chúng ta đang mong muốn thời gian họp Quốc hội cần rút ngắn hơn nữa!

Thế còn vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm nêu trong Nghị quyết Trung ương 4, thưa ông?

Về nội dung bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm được đề cập trong Nghị quyết Trung ương 4, tôi đã nghiên cứu khá kỹ. Cách đây ít ngày, trên VTV1, khi tham gia chương trình “Đối thoại chính sách”, tôi đã mạnh dạn nêu lên quan điểm của mình là nên gọi là bỏ phiếu bất tín nhiệm.

“Tôi nói thí dụ, muốn tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm đối với Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSNDTC… thì phải dựa trên báo cáo công tác của các vị ấy, sau đó Quốc hội xem xét, đánh giá rồi mới bỏ phiếu tín nhiệm. Như vậy đòi hỏi cả một quy trình công phu lắm, không thể nói đơn giản được.”

Muốn biến chủ trương ấy thành hiện thực thì cần triển khai rất nhiều công việc. Trước hết cần xây dựng các văn bản mang tính pháp lý, trong đó cần định rõ những quy trình, thủ tục.

Ở Quốc hội đã có một số quy trình thủ tục nhưng quá ư là chặt chẽ nên việc bỏ phiếu tín nhiệm vẫn còn nằm yên ở đấy.

Nghị quyết Trung ương 4 đặt vấn đề hằng năm bỏ phiếu tín nhiệm. Chủ trương này rất hay, nhưng muốn triển khai được thì cần những văn bản hướng dẫn cụ thể. Việc ban hành các văn bản này cần có thời gian và phải nghiên cứu công phu. Muốn thực hiện chủ trương này phải có quyết tâm chính trị rất cao. Chúng ta cần quán triệt sâu sắc tư tưởng của Bác Hồ: Chủ trương là một, thì biện pháp phải là năm và quyết tâm thực hiện phải là mười. Chủ trương đã có rồi. Biện pháp mới có một phần, cần bổ sung ngay cho đủ thì mới có cơ sở để triển khai. Nhân dân đang mong chờ, chúng ta phải làm ngay, không một ngày chậm trễ.

Tuy nhiên, tôi vẫn muốn đặt vấn đề là bỏ phiếu bất tín nhiệm thay vì bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu chủ trương này được chấp nhận cộng với việc chuẩn bị công phu về quy trình và thủ tục, tôi tin tưởng là chúng ta sẽ thực hiện được.

Quy định hay, nhưng 10 năm… không làm nổi

Trở lại với quy định bỏ phiếu tín nhiệm quy định trong luật tổ chức Quốc hội, chúng ta cũng chưa áp dụng được lần nào nên chưa một Bộ trưởng hay một chức danh lãnh đạo nào phải đối diện với “cửa ải” này tại Quốc hội. Theo ông, tại sao lại như vậy?

Tôi nhớ về câu chuyện, vị Chánh án tòa án nhân dân tối cao trả lời chất vấn. Nội dung trả lời chất vấn của vị này không nhận được sự đồng tình của nhiều vị đại biểu. Đặc biệt có một vấn đề liên quan đến cách nhìn nhận cán bộ của ngành Tòa án. Ngay Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và không ít các thành viên Ủy ban Pháp luật cũng không hài lòng. Cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị trình ra Quốc hội để bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận rất sôi nổi. Nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng có ý kiến băn khoăn. Nếu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm mà không đạt trên 50% thì không đủ tín nhiệm, phải thôi chức vụ. Tuy nhiên, việc quản lý cán bộ ở cấp này là thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị mà Bộ Chính trị chưa xem xét. Có nghĩa là cần phải báo cáo ngay với Bộ Chính trị. Nếu Bộ Chính trị không đồng ý thì sao?
 
“Bỏ phiếu tín nhiệm nhiều lãnh đạo hằng năm khó khả thi”
Ông Vũ Mão: "Nên dùng danh từ cho đúng với bản chất của sự việc là bỏ phiếu bất tín nhiệm"

Qua việc này mới thấy rõ văn bản pháp luật quy định về quy trình và thủ tục là chưa đủ. Nếu muốn làm thì trước hết cần bổ sung quy trình và thủ tục. Quy định bỏ phiếu tín nhiệm được bổ sung năm 2001 vào Hiến pháp là rất hay nhưng với những quy định hiện nay thì việc ấy chưa trở thành hiện thực được.

Ngay quy định 20% đại biểu hoặc một ủy ban đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm một nhân sự lãnh đạo nào đó Quốc hội mới tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm như trong luật cũng là quá chặt, thưa ông?

Yêu cầu 20% đại biểu cũng là không có hiện thực, bởi anh đòi hỏi 20%, nhưng không được trao đổi với nhau. Đại biểu này trao đổi với đại biểu kia không cẩn thận lại bị quy cho là người đi vận động...

Rồi việc một Ủy ban đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm cũng là điều không dễ thực hiện. Tôi nó một ví dụ cụ thể, tôi là Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, tôi lại chủ trì cuộc họp của Ủy ban để đề nghi bỏ phiếu tín nhiệm với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải... là không thực tế. Ủy ban đối ngoại chỉ có thể đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm với Bộ trưởng Ngoại giao. Với người Việt Nam ta, về mặt phong tục tập quán cũng như vể tâm lý mà nói, Ủy ban Đối ngoại chúng tôi rất khó để mà đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao. Cách chúng tôi thường làm là, có vấn đề gì chưa tốt ở Bộ Ngoại giao, tôi thường trực tiếp trao đổi với Bộ tưởng Bộ Ngoại giao như những lời nhắc nhở, phê bình với ông ấy.

Cho nên 10 năm rồi mà Quốc hội vẫn chưa làm được việc bỏ phiếu tín nhiệm.

Vậy để việc bỏ phiếu tín nhiệm có thể thực thi, cần phải sửa luật cụ thể như thế nào?

Trước hết, theo tôi, cần sửa từ Hiến pháp. Nên dùng danh từ cho đúng với bản chất của sự việc là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Còn việc sửa luật là cần thiết và theo hướng khắc phục những nhược điểm đã nêu trên.

Việc bỏ phiếu bất tín nhiệm chỉ xảy ra trong các trường hợp sau: Qua việc trả lời chất vấn có những vấn đề không ổn; Qua việc thảo luận ở Quốc hội về những vấn đề liên quan mà thấy không ổn; Kiến nghị của cử tri; Kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường (thực hiện)