Chết lặng trước 12.000 cuốn sách quý bị thiêu rụi
(Dân trí) - Nhìn kho sách quý 12 nghìn cuốn bị thiêu rụi, trong đó có 200 cuốn sách cổ, con rể cố nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch Việt Nam Lưu Trọng Lư - ông Nguyễn Văn Thành - như chết lặng. Nỗi đau xót không thể diễn tả bằng lời!
Cả kho sách khổng lồ bị thiêu rụi.
Vụ hỏa hoạn vào khoảng 9h45 phút sáng 3/8 tại số nhà 66F, Nguyễn Thái Học (đối diện Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội) đã thiêu rụi hơn 12 nghìn cuốn sách quý, trong đó có 200 cuốn sách cổ. Những người yêu sách, mê sách xót xa. Họ tụ lại trước ngôi nhà của ông chủ kho kiến thức khổng lồ trong sự tiếc nuối khôn nguôi bởi giá trị mất mát quá lớn, không vật chất nào có thể đong đếm được.
Chiều muộn ngày 3/8, tôi tới ngôi nhà 66F khi ngọn lửa dữ dội đã được dập tắt. Ông chủ của hơn 1 vạn cuốn sách quý như ngây như dại, lúc im lặng tịnh không nói một lời, lúc lời nói lại tuôn ra ào ào.
Ông tiếp tục nói: “Trong 12 nghìn cuốn sách đó có những cuốn mà tôi đã cất công vào tận trong Nam để sưu tầm từ những năm 1975. Có những cuốn sách không thể tìm lại được nữa nhưng rất may tôi đã cho anh bạn chụp lại trước đó”.
Nói đoạn ông kéo tay tôi vào nhà, nhưng rất nhiều người thân trong gia đình ông đã cản tôi lại: “Con thông cảm, ông ấy bị mất mát quá lớn, giờ đang xúc động...”. Ông được người thân trong gia đình dìu lên xe máy đưa đi để tránh xúc động mạnh.
Yêu sách hơn yêu bản thân mình
Bà Lưu Ý Nhi - con gái nhà thơ Lưu Trọng Lư (vợ ông Thành) - dẫn tôi vào trong căn nhà chật chội, cầu thang vòng vèo tối om sau sự cố hỏa hoạn. Mùi sách cháy khét lẹt, những giọt nước cứu hỏa buổi sáng chảy tong tỏng xuống đầu.
Tầng 2 là nơi ở của gia đình cố nhà thơ Lưu Trọng Lư, bức họa chân dung của nhà thơ vẫn được dựng ngay ngắn trên kệ ngang tường nhà. Căn phòng gần như không bị ảnh hưởng bởi vụ hỏa hoạn.
Tầng 3 là kho sách khổng lồ của ông Thành bị cháy rụi đen nhẻm, nhiều cuốn sách còn sót lại khá nguyên vẹn, cũng có cuốn bị cháy dang dở.
“Con xem đấy, lửa vẫn còn âm ỉ cháy trong đống sách nhưng ông ấy cứ khư khư giữ lấy đống tro sách, có chịu cho ai dọn dẹp đâu. Phải nhờ rất nhiều bạn thân đến, ông ấy mới chịu buông ra. Ông ấy yêu sách có lẽ còn hơn yêu bản thân mình, tai họa này thật khủng khiếp đối với ông và gia đình… Nói thật sợ ông ấy tiếc sách quá xảy ra tai họa nên gia đình cô mới phải đưa ông ấy đi nơi khác”.
Một số đầu sách quý do ông Nguyễn Văn Thành sưu tầm, gìn giữ đã bị thiêu rụi: Cuốn sách cổ viết về lịch sử Việt Nam bằng tiếng Pháp của linh mục May - Bông vào cuối thế kỉ 19 và được dịch sang tiếng Việt vào đầu thế kỉ 20; Sách của Nguyễn Tuân xuất bản trước Cách mạng tháng 8; những cuốn sách của Phạm Quỳnh; Bộ sử của Trần Trọng Kim; Những cuốn sách của Tản Đà; Phong trào Thơ mới vào những năm 30 - 45 của thế kỉ trước; Những cuốn sách của Nguyễn Văn Vĩnh in tại nhà xuất bản Trung Bắc - Tân Văn... và một số tờ tạp chí trước Cách mạng Tháng 8 như Tiểu thuyết thứ 7, Tao Đàn và một số tạp chí in tại miền Nam trước những năm 1975 như tạp chí Sáng Tạo, Tạp chí Bách Khoa... |