1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chánh án TAND Tối cao: “Chúng tôi không thể chỉ đạo án bằng một công văn”

Quang Phong

(Dân trí) - “Chúng tôi không thể chỉ đạo án bằng một công văn; phải nghiên cứu hồ sơ mà phải là hồ sơ gốc”, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định.

Chất vấn tại hội trường, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) đặt vấn đề: “Trong hoạt động xét xử, đặc biệt các vụ án hành chính, có còn hiện tượng thẩm phán xin ý kiến lãnh đạo Tòa án không? Lãnh đạo Tòa án có chỉ đạo hành chính không phù hợp đến các quan hệ tố tụng không? Nếu có, đồng chí xử lý thế nào?”.

Đại biểu Thịnh cũng đề nghị, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết các giải pháp để hạn chế và loại bỏ hiện tượng tiêu cực trên nhằm thực hiện nghiêm quy định của Hiến pháp là “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”.

Trả lời chất vấn, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, không có chỉ đạo xét xử toà án cấp dưới với án hành chính và tất cả các loại án khác. “Tòa án tôn trọng xét xử độc lập của tòa án cấp dưới, không có sự can thiệp”, ông Nguyễn Hoà Bình nói.

Chánh án TAND Tối cao: “Chúng tôi không thể chỉ đạo án bằng một công văn” - 1

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình

Theo ông Nguyễn Hoà Bình, trường hợp địa phương lúng túng về áp dụng pháp luật thì có hướng dẫn khi có cách hiểu khác nhau về nội dung luật.

Ông Bình cho biết, trong hướng dẫn của Tòa cấp trên đối với cấp dưới đều nói đây là tài liệu tham khảo. Còn chỉ đạo án phải có hồ sơ mang lên cùng nhau nghiên cứu chứ bằng một văn bản thì không thể xem là chỉ đạo án.

“Tất cả các vụ án chứ không chỉ riêng án hành chính. Chúng tôi không thể chỉ đạo án bằng một công văn mà phải nghiên cứu hồ sơ mà là hồ sơ gốc”, Chánh án TAND Tối cao khẳng định.

Cũng chất vấn Chánh án TAND Tối cao, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Pha đề cập đến vụ ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên.

Đại biểu cho biết, vụ án thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận vì đây là doanh nghiệp tư nhân có giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Hiện vụ án này đã qua hai cấp xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm) nhưng quyết định chưa thực sự thuyết phục và đang bị Viện KSND Tối cao kháng nghị.

Theo đại biểu, nhiều cử tri, nhất là các doanh nhân, luật sư cho rằng, nếu toà án giải quyết vụ ly hôn này không đúng đắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của doanh nghiệp, lớn hơn là huỷ hoại một doanh nghiệp lớn của nền kinh tế.

“Nói ví von thì có thể biến một con đại bàng thành con chim sẻ rồi hụt hơi trong chính vườn nhà, tác động rất lớn đến niềm tin của doanh nghiệp vào chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước đối với nền kinh tế, doanh nghiệp tư nhân. 

Chánh án có đồng ý với những lo ngại trên không? Được biết kháng nghị của Viện KSND Tối cao đã khá lâu nhưng chưa thấy TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm”, đại biểu Pha chất vấn.

Ở vị trí điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đây là vụ án ly hôn cụ thể. Bà đề nghị toà trao đổi thêm với đại biểu.