Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Hòa giải để khơi dậy lòng vị tha, không cố chấp!
(Dân trí) - “Về mặt bản chất, hòa giải là tác động vào tâm lý của các bên tranh chấp, làm sao khơi dậy lòng vị tha, sẵn sàng chia sẻ khó khăn và không cố chấp”, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói.
Sáng 25/5, cho ý kiến tại hội trường về hoàn thiện dự án Luật Hòa giải, đại biểu Bùi Quốc Phòng (đoàn Thái Bình) cho biết, bảo vệ bí mật thông tin trong hoạt động hòa giải là vấn đề quan trọng hàng đầu trong việc tạo niềm tin của các bên. Nguyên tắc bảo mật thông tin là nguyên tắc then chốt trong hoạt động hòa giải tố tụng tại tòa án.
Theo đại biểu, những nội dung quy định tại Điều 4 đã thể hiện sự tiếp thu nghiêm túc từ những kinh nghiệm tốt trên thế giới và góp ý của các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, trong trường hợp hòa giải viên có hành vi vi phạm bảo mật thông tin mà gây hậu quả, gây thiệt hại cho bên trình bày thì họ cũng phải bồi thường thiệt hại.
“Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo mật thông tin cũng phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại bên cạnh nội dung bị xử lý theo quy định của pháp luật cho phù hợp”, đại biểu đoàn Thái Bình nói.
Cùng vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Chí Tài (đoàn Thừa Thiên Huế) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm đối tượng cần phải bảo mật thông tin đó là thẩm phán để đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất trong luật.
“Vì thẩm phán được phân công hòa giải là một trong các thành phần tham dự phiên họp, ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại Điều 28 của dự thảo luật”, đại biểu Tài cho hay.
Bên cạnh đó thẩm phán là người tiếp nhận hồ sơ để quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành theo quy định tại Điều 30 và là người được phép tiếp cận toàn bộ hồ sơ của quá trình hòa giải, đối thoại các vụ việc.
“Khoản 1 Điều 8 điểm e có quy định: “Yêu cầu hòa giải viên, người tham gia hòa giải, đối thoại khác, thẩm phán bí mật thông tin cho mình cung cấp”. Vì vậy, tôi đề nghị ngoài hòa giải viên cần bổ sung thêm, thẩm phán là đối tượng cần được bảo mật thông tin”, đại biểu Tài nói thêm.
Báo cáo giải trình trước Quốc hội tại phiên thảo luận Luật Hòa giải, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, về mặt bản chất, hòa giải là tác động vào tâm lý của các bên tranh chấp, làm sao khơi dậy lòng vị tha, sự cao thượng và hướng thiện, sẵn sàng chia sẻ khó khăn và không cố chấp.
Ông Bình nêu ví dụ 2 vợ chồng trục trặc, ly hôn vì cô vợ phát hiện chồng có vi phạm gì đó về mặt đạo đức thì chủ yếu tác động chia sẻ, vị tha vì các con. “Người ta có thể rủ nhau lên chùa nhờ hòa thượng nói thêm, những việc này chỉ cần một bên thôi chứ không nhất thiết phải 2 bên dẫn nhau lên chùa”, ông Bình lý giải.
Về quyết định công nhận của Tòa án, theo Chánh án, có những trường hợp hòa giải không cần, chỉ cần 2 bên thống nhất với nhau, nhưng có những quyết định dứt khoát phải có sự công nhận của Tòa án. Ông Bình ví dụ, ngân hàng đòi một doanh nghiệp do điều kiện khó khăn về Covid-19, không trả được 1 tỷ cộng với tiền lãi 100 triệu, tổng cộng là 1,1 tỷ đồng.
Theo ông Bình, nếu ra tòa thì tòa không có cách nào khác phải tuyên là anh phải trả 1,1 tỷ cả gốc và lãi, nhưng do khó khăn, ngân hàng chỉ lấy 800 triệu hoặc 1 tỷ, không cần lãi thì phải có quyết định này để lãnh đạo ngân hàng cấp trên có căn cứ. Nếu không người ta sẽ bảo mấy ông này gây thiệt hại cho ngân hàng, móc ngoặc với nhau.
Về lộ bí mật, rất nhiều đại biểu cho ý kiến về nội dung này. Chành án Nguyễn Hòa Bình lý giải, nguyên tắc bảo đảm bí mật của hòa giải là nguyên tắc bao trùm của chế định này. “Đôi khi người ta thổ lộ tâm tình với hòa giải viên những điều thầm kín trong lòng. Tại sao người ta ly hôn, tại vì ông này có cái này, bà này thế này, những việc như thế không thể mang ra để thành câu chuyện đàm tiếu”, ông Bình chia sẻ.
Hay khi chia tài sản, ra tòa tất cả phải phải được công khai, đất bao nhiêu, nhà bao nhiêu, tiền bao nhiêu, cổ phần cổ phiếu bao nhiêu. Nhưng chế định này người ta không muốn cho nên khi người ta đã chia sẻ thông tin với hòa giải viên tất cả những thông tin về mặt đời tư thì bổn phận của hòa giải viên phải giữ bí mật cho người ta.
“Đây là những yêu cầu về bí mật, là nguyên tắc rất lớn. Bản thân ông thẩm phán cũng không được phép biết về nội dung của việc chia sẻ này. Chính vì vậy, trong luật không được ghi biên bản, không được ghi âm, không được ghi hình để bảo đảm rằng tất cả những điều mà người ta đã chia sẻ với hòa giải viên được giữ kín”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định.
Quang Phong