1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Chặng đường đầu tiên trong hành trình lưu lạc 5.800km của Vừ Già Pó

(Dân trí) - Căn nguyên khiến người đàn ông dân tộc Mông Vừ Già Pó lưu lạc 5.800km sang tận Pakistan là do thời gian lao động bên Trung Quốc, Pó thường xuyên bị đánh đập nên đã cùng mọi người bỏ trốn. Sau đó cả đoàn lạc nhau.

Một trong những người đi “xuất khẩu lao động chui” cùng Vừ Già Pó là Lý Mí Tử (sinh năm1987). Tử là người cùng bản, cũng là em vợ của Pó. Hai người đều có hoàn cảnh khó khăn, gia đình thuộc hộ nghèo trong thôn, mong muốn sang Trung Quốc làm thuê để có thu nhập nuôi sống gia đình.

Lý Mí Tử kể: “Tôi quan niệm là chỉ tập trung, yên phận làm ăn chứ không thể ham giàu sang trong phút chốc được nên Vừ Xì Già năm lần bảy lượt tới thuyết phục, chúng tôi đều không đi theo. Già nói sang bên đó làm mỗi ngày kiếm hàng triệu đồng rất bình thường. Chỉ cần làm 3 tháng sẽ được 18 triệu đồng. Nghĩ “ngon ăn” nên khi Già sang thuyết phục lần thứ tư, tôi quyết định cùng anh rể (Vừ Già Pó) đi thử một lần cho biết. Nếu đổi đời thì tốt, không được cũng không sao”.

Theo lời anh Tử, cách đây 2 năm, đúng ngày 14 tháng giêng (âm lịch), hai anh em đã theo chân Vừ Xì Già sang Trung Quốc “xuất khẩu lao động”. Hai anh em vừa đặt chân qua bên kia biên giới đã có ô tô tới đưa sang nơi làm việc. Nhưng xe cứ đi mãi không dừng lại. Đến ngày thứ tư, mọi người trong đoàn ai cũng vừa đói vừa khát vì suốt hành trình không được ăn uống.

Chặng đường đầu tiên trong hành trình lưu lạc 5.800km của Vừ Già Pó
Lý Mí Tử, người em vợ anh Pó kể lại hành trình thất lạc nhau với anh Pó sau chuyến đi làm ăn ở Trung Quốc

Đến nơi, Tử thấy Vừ Xì Già nhận tiền “môi giới” từ người chủ bên kia, đếm mỗi người lấy 500 đồng Nhân dân tệ. Không những thế, hắn còn ứng trước tiền công của anh em để mang về. Lúc đó mọi người chỉ thấy ông đếm đầu người để lấy tiền chứ không biết đó là tiền gì.

“Vừa đến nơi, chưa kịp nghỉ chúng tôi đã phải bắt tay ngay vào công việc như những nô lệ. Công việc hàng ngày là phát cỏ, trồng rừng và bón phân cho cây. Sau một tháng, trừ những ngày mưa, tính ra mọi người làm được 25 công. Nhưng do bị thường xuyên hành hung, Pó sợ quá đã bỏ trốn khỏi nơi làm việc” - Lý Mí Tử cho biết.

Sau vài ngày bỏ trốn, không còn đường đi nữa, Pó đành phải quay trở lại công ty. Đúng lúc này Vừ Xì Già lại đưa thêm 5 người cùng bản đến làm việc. Thấy đồng hương, Pó mừng rỡ đi ra nói chuyện, hỏi thăm “Mọi người trong gia đình có khỏe không, nhà tao có bị trộm cắp không?”. Lúc này một tên “cai” gần đó nghe thấy, cho rằng Pó đang tụ tập tổ chức người bỏ trốn lần 2 nên đã gọi thêm người tới hành hung, đánh đập nhóm người của Pó đến trước.

Anh Lý Mí Tử kể lại trong giàn giụa nước mắt: "Tôi thấy một tên lao ra đạp anh Pó ngã xuống rồi dùng cành cây đập vào mắt và đầu của Pó. Đánh Pó xong, bọn chúng lại quay lại đánh 5 người chúng tôi và cách ly chúng tôi khỏi nhóm người mới đến. Nhiều ngày phải liên tục chịu những trận đòn liên miên, chúng tôi sợ quá nên vạch kế hoạch bỏ trốn khỏi nơi “địa ngục trần gian” ấy".

Lý Mí Tử kể thêm: “Khi trời vừa tối, theo kế hoạch, chúng tôi rời khỏi khu rừng. Dù không biết đường đi nhưng chỉ mong thoát khỏi “động quỷ” càng sớm càng tốt. Không tiền bạc, không giấy tờ tùy thân, những ngày sau đó chỉ đi lang thang và nhặt nhạnh, ăn những thứ gì vứt lại được trên đường. Chúng tôi đi được 5 ngày 5 đêm, do đói, khát quá anh Pó đành tụt lại phía sau, rồi mọi người bị lạc mất nhau”.

Lang thang được gần một tháng, nhóm của Tử chỉ còn sót lại 3 người, 2 người kia không biết đã đi đâu. Sau đó, 3 người này bị lực lượng công an Trung Quốc bắt giữ và giam lại 3 tháng 20 ngày. Đến ngày cuối cùng, họ đưa hộ tống ra xe rồi di chuyển một ngày đêm, đến sáng hôm sau thì tới một cửa khẩu ở Lạng Sơn, lúc này mọi người mới mừng rỡ khi biết là mình được thả.

“Từ giờ tôi quyết định sẽ không bao giờ đi xuất khẩu “chui” nữa, có nghèo thì ở nhà làm nương, trồng ngô chứ không ham giàu sang làm gì. Thời gian trôi dạt bên xứ người, không người thân, không gia đình đến nay vẫn ám ảnh tôi mỗi khi nhớ đến. Chỉ mong anh Pó được về nước sớm và đoàn tụ cùng gia đình, tập trung sản xuất” - Tử chia sẻ.

Theo ông Thào Mí Sính - Chủ tịch HĐND huyện Mèo Vạc, Hà Giang - thời gian gần đây, tình trạng người dân trên địa bàn trốn sang Trung Quốc làm thuê rất nhiều. Những trường hợp này vượt biên trái phép, không được sự bảo hộ, không theo một tổ chức nào của chính quyền 2 nước.

Hơn nữa, huyện Mèo Vạc có khoảng hơn 40km đường biên giới, giáp 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) có rất nhiều đường mòn, nên rất khó quản lý người dân vượt biên trái phép.

Giữa 2 huyện giáp ranh biên giới của 2 nước cũng đã có những buổi đàm phán và thỏa thuận để cho nhân dân 2 quốc gia có giấy thông hành, đi lại như một hình thức xuất khẩu lao động hợp pháp hơn.

Vợ chồng anh Tử thề sẽ không bao giờ đi xuất khẩu lao động chui nữa
Vợ chồng anh Tử "thề" sẽ không bao giờ đi xuất khẩu lao động chui nữa

Ông Nông Văn Ngay - Phó Chủ tịch UBND xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc - cho biết: “Trường hợp của anh Pó cùng nhiều thanh niên khác trên địa bàn sau khi trốn sang Trung Quốc lao động làm thuê đã không báo cáo với chính quyền địa phương. Sau một thời gian không thấy Pó về nhà, gia đình đã báo cáo sự việc lên chính quyền”.

Tiếp nhận thông tin trên, lãnh đạo địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng ở các xã, huyện xung quanh để xác minh thông tin, tìm người nhưng không có kết quả.

Vừa rồi nghe tin anh Pó đã lưu lạc sang tận Pakistan, xã đã hỗ trợ Sở Ngoại vụ và các cơ quan chức năng trong việc xác minh thông tin và tìm biện pháp khả thi đưa anh về nước.

“Chúng tôi cũng chỉ mong đưa công dân của mình về địa bàn càng sớm càng tốt, vì hiện nay gia đình anh Pó cũng đang rất khó khăn” - ông Nông Văn Ngay chia sẻ.

Quốc Cường - Xuân Thái

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm