1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Hà Giang:

Vợ mòn mắt chờ người chồng lưu lạc từ Mèo Vạc sang Pakistan

(Dân trí) - Vì lo cho chồng, Lía đã bán con bò lấy 20 triệu nhờ người sang Trung Quốc chuộc người. Nhưng người không về mà số tiền 20 triệu cũng bặt tăm luôn... Đôi lúc, chị chỉ muốn vùng đi để tìm chồng, nhưng nghĩ trời đất rộng mênh mông như vậy, biết tìm vào đâu.

Cách đây 2 năm, người đàn ông dân tộc Mông tên là Vừ Già Pó (1977), ở Mèo Vạc (Hà Giang) bỏ trốn khỏi địa phương sang Trung Quốc làm thuê. Hai năm sau, Vừ Già Pó bất ngờ xuất hiện tại Bang Azad Kashmir (Pakistan) sau khi vượt quãng đường dài hơn 5.800km...
Và giờ đây, nơi rẻo cao Mèo Vạc (Hà Giang) đang xôn xao trước câu chuyện anh Vừ Già Pó ở thôn Lũng Lầu (xã Khâu Vai) bỏ sang Trung Quốc làm thuê bỗng dưng mất tích một cách bí ẩn.
Câu chuyện vượt biên để lao động không còn lạ với những người dân nơi cực Bắc của tổ quốc, nhưng trường hợp mất tích bí ẩn như anh Pó trong thời gian dài như vậy quả thực là chuyện hiếm thấy. Lạ lùng hơn nữa, không ai có thể hình dung được một người đàn ông không tiền bạc, không giấy tờ tùy thân lại vượt hàng nghìn cây số qua những nơi nóng bỏng nhất, căng thẳng nhất về tranh chấp lãnh thổ, được bảo vệ an ninh rất nghiêm ngặt một cách an toàn.

Ngôi nhà của gia đình của Vừ Già Pó rất đơn sơ, nằm cheo leo trên một sườn đồi có độ dốc lớn, xung quanh là những nương ngô trên cao nguyên đá lởm chởm, cằn cỗi. Khi chúng tôi có mặt, Vừ Mí Sua (14 tuổi) người con trai lớn học lớp 6 của Pó vừa đi học về đã tranh thủ dắt bò ra cày nốt mảnh nương gần nhà.

Chị Ly Thị Lía, vợ anh Pó đang mòn mỏi từng ngày chờ chồng được về quê hương sum họp với gia đình
Chị Ly Thị Lía, vợ anh Pó đang mòn mỏi từng ngày chờ chồng được về quê hương sum họp với gia đình

Hai người em của Sua cũng lon ton chạy theo nhặt những củ, dây khoai lang sót lại sau vụ mùa. Theo Sua, từ ngày bố mất tích, gánh nặng gia đình đều trút lên đầu mẹ và em. Sua phải thay bố làm trụ cột chính trong gia đình và chăm lo cho em. Mẹ em hàng ngày đều đặn lên nương, tối mới về nhà.

Vợ Pó là Ly Thị Lía (35 tuổi), người cùng thôn Lũng Lầu. Hai người đều có cuộc sống bất hạnh riêng, Pó bị mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi còn rất nhỏ. Còn Lía thì mồ côi bố, mẹ Lía đã đi thêm bước nữa. Chị trở nên bơ vơ lạc lõng khi mẹ dành phần nhiều thời gian hơn cho “tổ ấm” mới. Hai số phận cùng cảnh ngộ, họ tìm đến nhau để đồng cảm và được sẻ chia, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới. Khi ấy, Lía mới 16 tuổi.

Hai vợ chồng Pó có được 5 người con, con gái lớn Vừ Thị Chúa (18 tuổi) đã đi lấy chồng xa. Còn em Vừ Thị Hờ (16 tuổi) đang ở cùng mẹ với 3 người em trai là Sua và Vừ Mí Chả (12 tuổi), Vừ Mí Vư (10 tuổi).

Cách đây 2 năm 3 tháng, đúng ngày 14 tết (âm lịch) năm 2012, Vừ Già Pó cùng 5 người trong thôn Lũng Lầu rời cao nguyên đá vượt biên sang Trung Quốc làm thuê, mong kiếm được vài đồng tiền gửi về cho vợ nuôi con. Cả gia đình đặt hy vọng rất nhiều vào chuyến đi này của Pó, mong ngày về sẽ được một khoản tiền kha khá.

Chị Lía cho biết: “Chồng tôi đi theo Vừ Xì Già, là người xã Lũng Pù (Mèo Vạc) chuyên tìm lao động sang Trung Quốc làm thuê. Từ trước tới nay, hắn có đến Lũng Lầu 3 lần để tìm người nhưng cả ba lần anh Pó đều từ chối. Đến lần thứ tư, nghe hắn nói sang bên kia chỉ cần làm việc nhẹ nhàng nhưng được lương những 6 triệu/tháng nên vợ chồng Pó không cưỡng được mức lương quá hấp dẫn này.”

Con trai anh Pó Vừ Mí Chả đang cố gắng làm lụng chờ ngày được gặp người bố sau mấy năm xa cách
Con trai anh Pó Vừ Mí Chả đang cố gắng làm lụng chờ ngày được gặp người bố sau mấy năm xa cách

Theo chị Lía, trong chuyến đi này có 6 người, đối tượng Già lừa chồng chị đi qua mốc 23 ở Sơn Vĩ, Mèo Vạc để vượt biên sang Trung Quốc. Chỉ thời gian ngắn sau đó, hắn lại rủ thêm một đoàn 5 người nữa “xuất ngoại” đi làm thuê vẫn theo thủ đoạn và phương thức đó.

Mong muốn chính đáng của gia đình nghèo nơi cằn cỗi này là có khoản thu nhập đều để bữa ăn các con có thịt. Nhưng ước mơ của họ đã sớm bị dập tắt từ ngày Pó biệt tích, mất liên lạc. Từ lúc đi “xuất khẩu lao động”, Pó chưa gửi về gia đình được một đồng tiền nào.

Thời gian trôi đi, 3/6 người vượt biên cùng với Pó bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt giam 3 tháng rồi trao trả tại Lạng Sơn khiến chị Lía càng thêm lo lắng. Nhóm 5 người đi sau cũng đã trở về. Nhưng họ chỉ thông tin ngắn gọn rằng Pó đã trốn khỏi nơi làm việc từ lâu, không ai biết ở đâu.

Sốt ruột quá, Lía đã báo cáo sự việc lên UBND xã Khâu Vai để có biện pháp tìm kiếm. Chị cũng đã nhờ chính quyền xã đưa bức ảnh cho chủ một doanh nghiệp trên địa bàn là người Trung Quốc để mang về nước tìm, nhưng mọi cố gắng đều không có kết quả.

Theo chị Lía, trong lúc như ngồi trên đống lửa, chị còn bị một số đối tượng nói rằng muốn cứu anh Pó phải mang tiền đi chuộc. Vì lo cho chồng, Lía đã bán con bò lấy 20 triệu đưa người này sang Trung Quốc chuộc người. Nhưng người không thấy về mà số tiền 20 triệu cũng bặt tăm luôn.

Nhiều khi chị chỉ muốn vùng đi để tìm chồng mình, nhưng nghĩ trời đất rộng mênh mông như vậy thì biết tìm vào đâu. Cũng nghĩ cho các con còn nhỏ nên tôi cũng không thể bỏ đi được.

Từ ngày đó, cuộc sống gia đình trở nên khó khăn gấp bội. Chị có nuôi một con bò của dự án nhưng do bị dịch bên nên đã chết. Bữa cơm hàng ngày của gia đình 5 miệng ăn là ngô hấp thay cho gạo, thức ăn chỉ có duy nhất một món rau rừng.

Khi hay tin đã tìm được chồng, Lía đã bán một mảnh nương và một con bò được 20 triệu dồn sang để chồng mua vé máy bay về nước. Nhưng đối với chị, trước mắt là khoản tiền đón chồng từ Hà Nội trở về, vì nghe nói họ chỉ đưa về đến sân bay Nội Bài. Còn chi phí từ Hà Nội về nhà thì gia đình phải tự lo liệu.

Được biết, sau khi xác định được Vừ Già Pó là công dân xã Khâu Vai, Mèo Vạc (Hà Giang), Đại sứ quán Việt Nam đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục lãnh sự với cơ quan chức năng Pakixtan để đưa Pó về nước trong thời gian sớm nhất.

Vừ Già Pó bị Lực lượng Quân báo Pakistan bắt được khi đang chuẩn bị vào biên giới nước này. Từ 10/2013, Pó bị tạm giữ ở cơ quan phòng chống tội phạm ở Muzaffarabad, sau đó chuyển sang đồn cảnh sát thị trấn Athmuqam vùng Neelum. Khi bị bắt, trên người anh không có một thứ giấy tờ tùy thân, ngoài tiếng dân tộc Mông của mình, anh không hề biết thứ tiếng nào khác.

Quốc Cường - Xuân Thái

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm