1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chấn chỉnh ngành hàng không sau hàng loạt sự cố

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa có động thái chấn chỉnh đối với các đơn vị hàng không do sự cố an toàn liên tiếp tăng trong tháng 7 và tháng 8. Các sự cố này xảy ra phần lớn do “lỗi” con người.

Trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua, ngành hàng không đã có nhiều nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ và khắc phục tình trạng chậm hủy chuyến bay, đáp ứng nhu cầu đi lại tốt hơn bằng đường hàng không. Tỷ lệ chậm hủy chuyến bay từ 26,12% trong tháng 7 đã giảm xuống còn 13,8% trong tháng 8.

Tuy nhiên trong công tác đảm bảo an toàn hàng không 2 tháng qua có nhiều diễn biến đáng lo ngại khi tỷ lệ sự cố an toàn hàng không liên tiếp tăng. Cụ thể, trong tháng 7, sự cố hàng không tăng 17 vụ so với tháng 6; trong tháng 8 xảy 50 sự cố an toàn hàng không, tăng 3 vụ so với tháng 7. Tổng số sự cố an toàn hàng không trong 7 tháng đầu năm nay tăng 13 vụ so với cùng kỳ năm 2013. Các sự cố an toàn hàng không xảy ra chủ yếu liên quan đến khai thác máy bay, khai thác cảng hàng không sân bay và điều hành bay.

Sự cố uy hiếp an toàn bay gia tăng trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua
Sự cố uy hiếp an toàn bay gia tăng trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua

Nguyên nhân xảy ra các sự cố phần lớn do “lỗi” con người, lỗi kỹ thuật, lỗi của nhân viên điều độ, nhân viên thủ tục bay và một số lỗi liên quan khác.

Đơn cử như lỗi của tổ bay không chấp hành huấn lệnh của chuyến bay VN132/A326 của Vietnam Airlines ngày 5/8 - tổ lái VN132 đã không thực hiện đúng theo huấn lệnh không lưu dẫn đến vi phạm độ cao an toàn trong khu vực kiểm soát tại sân bay Đà Nẵng, chuyến bay VN132 sau đó đã hạ cánh an toàn.

Hôm 7/8, do đặt nhầm đồng hồ nên phi công của Vietnam Airlines cho chuyến bay VN1203 hạ độ cao sai quy trình khi máy bay của VietJet Air đang bay ngược chiều, sự cố uy hiếp cao về an ninh an toàn hàng không xảy ra trong vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh. Việc hạ độ cao của tổ bay VN1203 đã dẫn tới mất phân cách giữa máy bay Vietnam Airlines và VietJet Air, làm kích hoạt hệ thống cảnh báo va chạm TCAS. Sau đó, 2 máy bay này đã thực hiện theo khuyến cáo của hệ thống cảnh báo va chạm TCASRA. Tổ lái VN1203 sau đó đã bị đình bay và tước giấy phép hàng không không thời hạn.

Ngày 27/7, do không xử lý đúng quy trình điều hành bay nên đài chỉ huy không lưu tại Vinh đã để mất liên lạc với chuyến bay PIC522 của Jetstar Pacific khoảng 4 phút, tổ lái PIC522 đã phải thực hiện bay vòng để xin huấn lệnh hạ cánh lần 2.

Nhằm đảm bảo an tuyệt đối an toàn hàng không, hạn chế sự cố, ngăn ngừa tai nạn hàng không và tái diễn các sự cố uy hiếp an toàn bay, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo thanh tra chuyên ngành của Cục và Cảng vụ hàng không tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn hàng không, vận chuyển hàng không, công tác chuẩn bị trước chuyến bay, dịch vụ phi hàng không, đảm bảo quyền lợi của hành khách và xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định. Tổ chức bình giảng, phổ biến, rút kinh nghiệm trong toàn ngành hàng không.

Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục tổ chức triển khai toàn diện việc thiết lập và vận hành hệ thống quản lý an toàn (SMS) của các đơn vị; chương trình an toàn đường cất-hạ cánh; kiểm tra, giám sát hệ thống SMS của các đơn vị đã được phê chuẩn.

Đối với Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu nâng cao nhận thức về an toàn hàng không, văn hóa an toàn, trách nhiệm thực thi nhiệm vụ nhằm ngăn ngừa tái diễn các sự cố gây uy hiếp an toàn bay, đặc biệt là các sự cố liên quan đến yếu tố con người và không để xảy ra tai nạn hàng không…

Các hãng hàng không phải tuân thủ nghiêm các quy định liên quan đến khai thác, bảo dưỡng máy bay, tiếp tục ngăn chặn các giải pháp hạn chế chậm hủy chuyến bay trên cơ sở bảo đảm tuyệt đối an toàn bay.

Châu Như Quỳnh