Cảnh báo va chạm trên không giữa máy bay Vietnam Airlines và VietJet Air
(Dân trí) - Do đặt nhầm đồng hồ nên phi công của Vietnam Airlines cho chuyến bay VN1203 hạ độ cao sai quy trình khi máy bay của VietJet Air đang bay ngược chiều. Sự cố uy hiếp cao về an ninh an toàn hàng không này vừa xảy trong vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh.
Thời điểm xảy ra sự cố là 8h17 (giờ UTC), tức 15h17 (giờ địa phương) hôm 7/8. Chuyến bay VN1203 đang bay trong vùng FIR Hồ Chí Minh được kiểm soát viên không lưu cấp huấn lệnh cho xuống mực bay FL320 (32.000 feet). Lúc này, chuyến bay VJ3258 của VietJet Air trong cùng vùng FIR đang bay ngược chiều ở mực FL310 (31.000 feet).
Quá trình điều hành bay, kiểm soát viên không lưu đã thông báo đầy đủ thông tin chuyến bay VJ3258 trong vùng FIR cho tổ bay VN1203 của Vietnam Airlines, tuy nhiên sau đó tổ bay Vietnam Airlrines đã giảm độ cao xuống mực bay FL300 mà không có huấn lệnh của kiểm soát viên không lưu.
Hệ thống cảnh báo va chạm đã được kích hoạt khi máy bay Vietnam Airlines với VietJet Air bay cùng độ cao và ngược chiều trong vùng FIR Hồ Chí Minh hôm 7/8
Việc hạ độ cao của tổ bay VN1203 đã dẫn tới mất phân cách giữa máy bay Vietnam Airlines và VietJet Air, làm kích hoạt hệ thống cảnh báo va chạm TCAS. Sau đó, 2 máy bay này đã thực hiện theo khuyến cáo của hệ thống cảnh báo va chạm TCASRA.
Ngày 8/8, Cục Hàng không Việt Nam đã quyết định thành lập Đoàn điều tra sự cố hoạt động bay đối với chuyến bay VN1203 và VJ3258. Đoàn điều tra đã thu thập, tổng hợp và phân tích dữ liệu, triệu tập các thành phần liên quan và tổ chức họp về sự cố, xem xét đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự cố.
Cục Hàng không Việt Nam đánh giá đây là sự cố vi phạm tiêu chuẩn phân cách tối thiểu giữa các máy bay, uy hiếp cao về an toàn hoạt động bay. Cự ly ngắn nhất khi 2 máy bay của Vietnam Airlines và VietJet Air cùng độ cao ở tầm bay FL310 là 63NM, phân loại mức độ sự cố là loại C.
Nguyên nhân xảy ra sự cố là do tổ lái chuyến bay VN1203 của Vietnam Airlines đã nhầm lẫn khi đặt đồng hồ giảm độ cao. Thay vì đặt độ cao 32.000 feet thì tổ lái này lại đặt giảm độ cao không xác định.
Căn cứ vào tính chất sự việc, Cục Hàng không đã có các biện pháp xử lý những cá nhân liên quan. Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đã tước quyền sử dụng giấy phép nhân viên hàng không không thời hạn đối với cơ trưởng và cơ phó thực hiện chuyến bay VN1203 của Vietnam Airlrines, yêu cầu huấn luyện lại các quy trình khai thác tiêu chuẩn theo quy định. Ngoài ra, tổ lái này cũng bị xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi điều khiển máy bay vi phạm quy tắc bay, phương thức bay, thực hiện nhiệm vụ không đúng quy trình công việc và quy trình phối hợp gây uy hiếp an ninh an toàn hàng không.
Hoạt động điều hành bay tại Trung tâm kiểm soát bay đường dài (ACC) Hồ Chí Minh
Đối với các hãng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu bình giảng rút kinh nghiệm, quán triệt với toàn bộ lực lượng tổ lái về thao tác và quy trình khi giảm độ cao để ngăn ngừa các vụ việc tương tự. Nâng cao trách nhiệm tự kiểm tra, giám sát hoạt động giữa các thành viên tổ lái khi thực hiện thao tác theo huấn lệnh của kiểm soát viên không lưu. Tổ chức bình giảng và quán triệt toàn lực lượng tổ lái về việc nhận huấn lệnh và thực hiện huấn lệnh từ các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, đặc biệt là quy định về canh nghe, tiếp nhận, nhắc lại và thực hiện huấn lệnh của kiểm soát viên không lưu.
Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam phổ biến cho tất cả kiểm soát viên không lưu nội dung tình huống và bài học kinh nghiệm về xử lý tình huống của các kíp trực, đặc biệt là khi tổ lái thông báo cảnh báo va chạm TCAS dạng RA.
Cũng liên quan đến sự cố về độ cao của máy bay, hôm 5/8, chuyến bay VN132 của Vietnam Airlines đã không thực hiện đúng theo huấn lệnh không lưu dẫn đến vi phạm độ cao an toàn trong khu vực kiểm soát tại sân bay Đà Nẵng. Mặc dù chuyến bay VN132 sau đó đã hạ cánh an toàn nhưng nhà chức trách hàng không Việt Nam đang tiến hành điều tra về sự cố này.
Ngày 27/7, chuyến bay PIC590 của Jetstar Pacific thực hiện lấy độ cao không đúng huấn lệnh không lưu trong khu vực kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh. Nhà chức trách hàng không Việt Nam cũng đang điều tra về sự cố để có biện pháp xử lý.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, các sự cố nói trên được đánh giá ở mức độ ảnh hưởng đến hoạt động bay và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, không có sự cố nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là do tổ lái thực hiện không đúng huấn lệnh của kiểm soát viên không lưu và việc phối hợp giữa các thành viên tổ lái không tốt.
Châu Như Quỳnh