Chậm trả kết quả lý lịch tư pháp là phải xin lỗi dân ngay
(Dân trí) - "Việc tra cứu, trả kết quả lý lịch tư pháp chỉ diễn ra trong khoảng 5-7 ngày. Nếu chậm trễ trả kết quả là phải xin lỗi người dân ngay nên áp lực rất lớn".
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp chiều 27/11, ông Hoàng Quốc Hùng - Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia cho biết, trước năm 2015 người dân phải đi lại nhiều lần, nếu ở nước ngoài thì phải về Việt Nam mới xin được phiếu lý lịch tư pháp.
Từ năm 2015 tới nay, nhờ có kết nối điện tử và quy chế phối hợp thông tin với Cục Hồ sơ nghiệp vụ (V06 - Bộ Công an), TAND Tối cao, Tòa án quân sự Trung ương nên Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia đã tra cứu, giải quyết được gần 100% các trường hợp.
"Việc tra cứu, trả kết quả lý lịch tư pháp chỉ diễn ra trong khoảng 5-7 ngày. Nếu chậm trễ trả kết quả là phải xin lỗi người dân ngay nên áp lực rất lớn. Có ngày Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia đã giải quyết 3.000 hồ sơ cho các Sở Tư pháp gửi về và tiếp nhận ngay tại trung tâm"- ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, hiện nay chỉ chậm trễ trong việc trả kết quả lý lịch tư pháp cho khoảng 2%. Nguyên nhân là do lịch sử quản lý tài liệu, hồ sơ vụ án chưa được khoa học.
"Có những vụ án xảy ra từ những năm 80-90, thậm chí những năm 1970, bắt người nhưng không rõ kết quả xử lý rất nhiều, án chưa rõ ràng… Việc đó nằm trong lịch sử nên phải đào bới lại, 2% đó nằm trong quá trình sắp xếp hồ sơ lịch sử để lại. Hơn nữa có những đối tượng phức tạp, sau khi ra tù thì đi thay đổi nhân thân, tên tuổi để xin cấp phiếu lý lịch tư pháp"- ông Hùng nêu thực tế.
Vì thế, Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia đã lập đầu mối thiết bị điện tử, phần mềm đấu nối với Sở Tư pháp, công an 63 địa phương và Tòa án quân sự Trung ương.
"Chúng tôi đã nghị V06- Bộ Công an cập nhật tất cả thông tin không rõ ràng, thậm chí xác minh cả ở cơ quan hành chính các cấp thì mới làm rõ được người đó đã đủ để xóa án tích hay chưa"-ông Hùng nói.
Thống kê cho thấy, từ quý III/2020 tới nay, Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia đã cấp trên 14.000 phiếu lý lịch tư pháp theo thẩm quyền, khoảng 95% hồ sơ yêu cầu và nhận phiếu lý lịch tư pháp được thực hiện thông qua dịch vụ bưu chính.