1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội đề xuất xây dựng khung tiêu chuẩn chung cho 14 tuyến metro

Hà Mỹ

(Dân trí) - Nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trên toàn hệ thống đường sắt đô thị, Hà Nội đề xuất cho phép lựa chọn bộ tiêu chuẩn kỹ thuật dùng chung và các thông số kỹ thuật chính.

Nội dung được Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội Nguyễn Phi Thường đề cập, khi trình bày tờ trình Đề án tổng thể xây dựng hệ thống đường sắt đô thị thủ đô, tại kỳ họp HĐND TP diễn ra sáng 1/7. 

Theo đề án trên, Hà Nội đề xuất "một kế hoạch, 3 phân kỳ" đầu tư 13 tuyến đường sắt đô thị (metro) trên địa bàn.

Trong đó, từ nay đến năm 2030, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành 96,8km metro, gồm các tuyến: số 2 (các đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, Nội Bài - Nam Thăng Long), tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội - Yên Sở. 

Tổng nhu cầu vốn dự kiến trong giai đoạn này là 14,602 tỷ USD. 

Tại phân kỳ 2031-2035, Hà Nội lên kế hoạch hoàn thành 301km metro gồm các đoạn, tuyến: Ngọc Hồi - Yên Viên, Gia Lâm - Dương Xá, tuyến số 2 kéo dài đi Sóc Sơn, tuyến số 2A kéo dài đi Xuân Mai, tuyến số 3 kéo dài đi Sơn Tây, tuyến số 4 Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà, Nội Bài - Ngọc Hồi, Mê Linh - Hà Đông, Sơn Đồng - Mao Dịch - Vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá, Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai. 

Tổng nhu cầu vốn dự kiến cho giai đoạn trên là 22,572 tỷ USD. Với lộ trình này, Hà Nội kỳ vọng sau năm 2030, đường sắt đô thị đảm nhận 35-40% lượng hành khách công cộng, có thể vận chuyển được 9,7-11,8 triệu chuyến đi/ngày đêm. 

Phân kỳ 3 là giai đoạn 2036-2045, thành phố dự kiến hoàn thành đầu tư xây dựng 200,7km metro với tổng nhu cầu vốn 18,252 tỷ USD. 

Hà Nội đề xuất xây dựng khung tiêu chuẩn chung cho 14 tuyến metro - 1

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường trình bày tờ trình Đề án tổng thể xây dựng hệ thống đường sắt đô thị thủ đô (Ảnh: Thanh Hải).

Để triển khai, UBND TP Hà Nội đưa ra nguyên tắc xây dựng cơ cấu nguồn vốn theo từng giai đoạn và cho từng tuyến. Theo đó, các tuyến đang triển khai đầu tư theo vốn vay ODA thì các đoạn tuyến còn lại sẽ tiếp tục đầu tư theo vốn vay ODA, các tuyến còn lại sẽ tập trung ưu tiên đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước. 

Đáng lưu ý, nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trên toàn hệ thống đường sắt đô thị, Hà Nội đề xuất lựa chọn bộ tiêu chuẩn kỹ thuật dùng chung và các thông số kỹ thuật chính để cho phép khả năng liên vận giữa các tuyến đường sắt với nhau, đồng thời tối ưu hóa chi phí đầu tư, năng lực bảo trì, sửa chữa và vận hành. 

Theo đó, Hà Nội đề xuất xây dựng khung tiêu chuẩn kỹ thuật chung cho toàn bộ mạng lưới, nhằm tránh việc mỗi tuyến metro được thiết kế với tiêu chuẩn riêng biệt; thiết lập các thông số thiết kế dùng chung gồm: khổ đường, độ rộng đầu máy toa xe, chiều dài ke ga...

Khung tiêu chuẩn này chỉ là công cụ hỗ trợ để xác định các quy tắc cho việc thiết kế và thi công, không mang tính áp đặt và cho phép lựa chọn một cách linh hoạt giữa các nhà cung cấp khác nhau, để có được chi phí và chất lượng tốt nhất thông qua việc đấu thầu rộng rãi cho mỗi dự án. 

Với các nội dung liên quan đến đề án trên, chiều 1/7, các đại biểu HĐND TP Hà Nội sẽ tiến hành thảo luận tổ để cho ý kiến. 

Tại Quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua ngày 29/3, định hướng đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị, tăng 4 tuyến so với quy hoạch cũ.

Trong đó, thành phố ưu tiên hoàn thành hệ thống đường sắt vành đai và các ga đầu mối trên tuyến vành đai, các tuyến kết nối với thành phố phía Bắc, phía Tây, khu vực Yên Viên, Gia Lâm. 

Hà Nội đề xuất xây dựng khung tiêu chuẩn chung cho 14 tuyến metro - 2

(Đồ họa: Thủy Tiên - Hà Mỹ).