Chăm sóc người cao tuổi còn nặng tính thương mại
(Dân trí) - Luật Người cao tuổi (NCT) đã được thực thi, tuy nhiên tại một số địa phương, công tác chăm sóc NCT vẫn hoạt động theo kiểu thương mại.
Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 1,5 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, trong đó người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa gần 100 nghìn người; người cao tuổi 80 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là khoảng 1,4 triệu người (tăng 200% so với thời điểm trước khi ban hành Luật Người cao tuổi).
Bảo hiểm xã hội báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2012, bảo hiểm đã chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho 2,5 triệu lượt người, với số tiền 54.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, dù hiện nay sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương trong thực thi Luật NCT đã nhanh hơn nhưng vẫn còn quá nhiều hạn chế trong quá trình thực thi. Đơn cử như chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho NCT tại y tế xã đôi khi có tính thương mại; việc lập hồ sơ khám chữa bệnh định kỳ cho NCT đã có thông tư hướng dẫn nhưng có rất ít đơn vị tham gia…
Sáng 22/8, tại Hà Nội, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức hội thảo đánh giá sự tham gia giám sát của Hội NCT trong việc thực hiện Luật và chính sách cho NCT. Kết quả cho thấy, khi người dân và các tổ chức quần chúng nắm rõ các chính sách, hiểu biết về quyền lợi của mình, góp ý với chính quyền thì luật pháp và chính sách sẽ được thực hiện một cách nghiêm minh. Đại diện Hội NCT cho rằng, nếu được cung cấp các kiến thức về Luật và các chính sách cho NCT và các kỹ năng về giám sát, Hội NCT có đủ năng lực giúp đỡ chính quyền hiện thực hóa các chính sách của nhà nước, góp phần đảm bảo cơ chế dân chủ, phòng chống tham nhũng và các tiêu cực khác. “Tình trạng quan liêu, tham nhũng trong thực hiện chính sách sẽ được khắc phục nếu công khai, minh bạch, và được các đoàn thể quần chúng, cộng đồng tham gia giám sát, trong đó có Hội NCT ở địa phương” - bà Phạm Tuyết Nhung kiến nghị.
Năm 2010-2011, Trung ương Hội NCT đã xây dựng Dự án “Thúc đẩy sự tham gia và giám sát của Hội NCT Việt Nam trong việc thực hiện Luật và các chính sách đối với NCT” (dự án JIFF), thực hiện tại 4 tỉnh Phú Thọ, Quảng Trị, Bình Thuận, Cà Mau, do Quỹ Hỗ trợ sáng kiến tư pháp (Chương trình Đối tác tư pháp) tài trợ. Theo báo cáo, dự án đã đem lại lợi ích trực tiếp cho hơn 4.000 NCT.
Phạm Thanh