Chậm giải ngân vốn đầu tư công vì tâm lý e dè, sợ sai

Công Bính

(Dân trí) - Đó là ý kiến của lãnh đạo địa phương tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình với 5 tỉnh, thành miền Trung về đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2024.

Ngày 11/10, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình làm việc với các tỉnh, thành: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định về đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2024.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), năm 2024, các địa phương thuộc Tổ công tác số 1 (gồm 9 tỉnh, thành: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận) được Thủ tướng Chính phủ giao ngân sách hơn 55.700 tỷ đồng. Các địa phương đã phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án hơn 53.600 tỷ đồng.

Trong 5 địa phương tham dự cuộc họp, tỉnh Quảng Nam chưa hoàn thành việc phân bổ chi tiết 100% kế hoạch với số vốn hơn 442 tỷ đồng.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công vì tâm lý e dè, sợ sai - 1

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chủ trì buổi làm việc (Ảnh: Công Bính).

Ước thanh toán đến hết 30/9, các địa phương thuộc Tổ công tác số 1 giải ngân hơn 25.700 tỷ đồng, đạt 46,21% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (47,29%) và thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (52,99%).

Trong đó, tỉnh Thừa Thiên Huế giải ngân đạt hơn 58%, thành phố Đà Nẵng hơn 48%, tỉnh Quảng Nam gần 41%, tỉnh Quảng Ngãi hơn 33% và tỉnh Bình Định giải ngân hơn 69,37%.

Theo Bộ KH&ĐT, nguyên nhân khó khăn, vướng mắc tại 5 địa phương, gồm: giải phóng mặt bằng, năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư và năng lực triển khai dự án của nhà thầu.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công vì tâm lý e dè, sợ sai - 2

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung báo cáo tại hội nghị (Ảnh: Công Bính).

Có 4 địa phương nêu ra khó khăn trong hoàn thiện thủ tục đầu tư theo pháp luật chuyên ngành, đấu thầu dự án; 3 địa phương nêu khó khăn liên quan tới các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; có địa phương nêu khó khăn về thiếu đất đắp nền, cát xây dựng nên giá thành cao hơn so với đơn giá lập dự toán...

Bộ KH-ĐT cho rằng, các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của 5 địa phương trên cũng là các khó khăn, vướng mắc chung của cả nước, đã được Bộ KH-ĐT tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

"Tuy nhiên, nguyên nhân giải ngân chậm vẫn là do công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập; cùng mặt bằng pháp lý có bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân tốt nhưng vẫn có những bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân chưa tốt; trong một số thời điểm, tại một số dự án, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét", báo cáo của Bộ KH-ĐT nêu rõ.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công vì tâm lý e dè, sợ sai - 3

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Công Bính).

Tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh, thành đã "giải trình" về nguyên nhân khách quan và chủ quan của địa phương mình trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết trong một thời gian, tỉnh khuyết một số giám đốc sở, thay đổi một số vị trí lãnh đạo chủ chốt của UBND tỉnh…

Còn ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nói tỉnh khuyết vị trí Chủ tịch UBND tỉnh trong thời gian dài (ông Giang vừa được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi hồi tháng 8 vừa qua).

"Tâm lý e dè, sợ sai của một số chủ đầu tư và các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thị xã, thành phố chưa quyết liệt trong công tác giải ngân vốn cũng như chưa mạnh dạn tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai thực hiện", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nói.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương làm rõ những khó khăn, vướng mắc và hiến kế để thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công về đích như kế hoạch. Các địa phương phản ảnh thêm nội dung khác để hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 và tiến tới hoàn thành nhiệm vụ nhiệm kỳ.

"Từ nay đến hết nhiệm kỳ, thời gian không còn nhiều, chúng ta cố gắng tháo gỡ tất cả các khó khăn để tạo đà cho năm 2025 có tốc độ tăng trưởng vượt trội, đảm bảo hoàn thành kế hoạch tăng trưởng", Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.