TPHCM:
Chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn, dỡ trạm thu phí bỏ hoang 5 năm
(Dân trí) - TPHCM chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT cầu đường Bình Triệu 2 giai đoạn 2 (quận Bình Thạnh) và tiến hành tháo dỡ trạm thu phí ở cửa ngõ Đông Bắc TP sau 5 năm bỏ hoang.
Ngày 3/11, ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM) cho biết, việc tháo dỡ trạm thu phí được tiến hành từ cuối tháng 10.
Theo đó, các cabin thu phí theo hướng từ quốc lộ 13 lên cầu Bình Triệu 2 vào trung tâm thành phố đã dỡ bỏ.
Chiều ngược lại, từ cầu Bình Triệu 1 về quận Thủ Đức, các cabin được tháo dỡ, chỉ còn lại một số hạng mục nhỏ. Tổng chi phí tháo gỡ khoảng 100 triệu đồng từ nguồn vốn duy tu hàng năm và dự kiến hoàn tất vào tối nay.
Từ tháng 7/2015, Tổng công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII) dừng thu phí tại 2 trạm nêu trên để duy tu, nâng cấp hệ thống thu phí. Tuy nhiên, đã 5 năm trôi qua, trạm thu phí ngày càng xuống cấp và không có dấu hiệu hoạt động trở lại.
Việc tồn tại các trạm thu phí, theo giải thích của CII là để sau này tiếp tục thu phí khi hoàn thành các tiểu dự án còn lại của dự án BOT cầu đường Bình Triệu giai đoạn 2.
Dự án cầu đường Bình Triệu giai đoạn 2 được TPHCM ký kết với CII năm 2018 với tổng vốn gần 2.300 tỷ đồng, trong đó đền bù giải tỏa hơn 1.360 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mới đây TPHCM quyết định dừng hợp đồng BOT trước thời hạn để chuyển qua dùng vốn ngân sách.
CII đã hoàn thành thi công một nhánh cầu Ông Dầu trên quốc lộ 13 và chi một phần tiền đền bù giải tỏa đường Ung Văn Khiêm. Do đó, TPHCM sẽ dùng ngân sách hoàn trả nhà đầu tư các khoản đã chi trong dự án khi đàm phán kết thúc hợp đồng BOT.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM, việc dừng hợp đồng BOT trước thời hạn là chưa có tiền lệ.
Chủ trương trên của TPHCM được đưa ra khi thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước: 2 dự án này không phù hợp với Nghị quyết 437 của Quốc hội - không được thực hiện dự án BOT trên đường hiện hữu.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã giao Sở GTVT khẩn trương tham mưu và dự thảo văn bản để thành phố trình Thủ tướng về việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn dự án này và giao cho TP tự cân đối nguồn vốn ngân sách để tiếp tục đầu tư dự án theo quy định, sớm hoàn thành công trình đưa vào khai thác.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông kiểm tra, xác định khối lượng, giá trị báo cáo quyết toán do CII lập (đã nghiệm thu khối lượng hoàn thành) để trình thẩm tra, phê duyệt quyết toán.
Sau khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và duyệt quyết toán chi phí đầu tư, Sở GTVT chủ trì, phối hợp các sở liên quan và nhóm công tác liên ngành tổ chức đàm phán, chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn.