Cha tôi với bản Di chúc Bác Hồ
(Dân trí) - Cha tôi là một nông dân đích thực: Cần cù, tiết kiệm, có chí làm giàu, cho dù cả cuộc đời không thành triệu phú, nhưng cũng được xếp vào hạng gia đình khá giả ở nông thôn Hà Tĩnh vào những năm năm mươi. Dù có bát ăn, bát để, nhưng sinh thời, cha tôi lúc nào cũng căn dặn, khuyên bảo con cái phải biết sống cần kiệm. Mỗi lần lũ chúng tôi làm điều gì phí phạm, cha tôi liền la rầy rồi nói: “Đến như Hồ Chủ tịch, Ngài còn tiết kiệm từng đồng tiền, bát gạo huống chi các con”...
Cha tôi lúc nào cũng gọi Bác Hồ là “Ngài” và nói rất nhiều đến bốn chữ “cần, kiệm, liêm, chính” mà Bác Hồ thường nhắc nhở.
Năm 1969, ngày Bác Hồ qua đời, tôi đi làm báo xa gia đình. Những ngày cả nước tổ chức lễ tang Bác, cha tôi nghiền ngẫm không sót một bài nào trên báo nhân dân - những bài báo nói về tang lễ và cuộc đời hoạt động của Bác Hồ. Hồi đó chưa có truyền hình, phát thanh về tận nông thôn như bây giờ.
Mấy tháng sau tôi về nhà, thấy cha tôi lúc nào cũng cầm trên tay tờ báo Nhân Dân có in lời điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Duẩn đọc và bản Di chúc Bác Hồ. Khi tờ báo đã cũ quá, rách thành từng mảnh theo lằn gấp, thì cha tôi lại để ở đầu giường. Ông vẫn lấy tờ báo có bản Di chúc được dán lại theo làn nếp gấp đọc, tôi xúc động nhìn ông đọc bản Di chúc say mê và kính cẩn.
Một hôm cha tôi bảo: "Mấy hôm nữa con đi coi có cuốn sách nào in bản Di chúc của Ngài, con mua một bản".
Tôi tìm mua được cuốn Di chúc bìa ni lông, khổ nhỏ, chữ lớn đưa về để cha tôi đọc. Nhận được cuốn sách mới, cha tôi mừng quá! Dù ở tuổi 70 cụ vẫn đọc rành rọt từng chữ từng câu, gần như thuộc lòng. Mỗi lần có khách tới nhà là bạn bè hoặc một vài đồng nghiệp của tôi, cha tôi lại nói về những điều ông tâm đắc nhất trong bản Di chúc của Bác Hồ.
Hơn mười năm sau ngày Bác Hồ từ trần, cha tôi cũng qua đời. Lúc lâm chung, kỷ vật duy nhất gần gũi cha tôi để lại mà con cháu tìm được là cuốn Di chúc của Bác Hồ để ngay đầu giường. Cuốn sách đã sờn bìa, dấu tay và mồ hôi làm cho bìa sách từ màu đỏ thành ra màu thẫm. Anh em chúng tôi bọc cuốn sách lại để lên bàn thờ, bên cạnh chiếc cặp da cha tôi dùng gần như cả đời người để đựng hương, hoa, trầu, rượu mỗi lần đi chùa thờ cúng Đức Thánh Trần (tức đền thờ Trần Hưng Đạo).
Bây giờ tôi mới hiểu vì sao cha thường gọi Bác Hồ là Ngài bởi vì cha tôi luôn luôn tôn Bác là một vị Thánh và càng hiểu vì sao cha tôi giữ gìn bản Di chúc của Người.
Phan Huy