Thanh Hoá:
“Báu vật” Bác Hồ tặng người dân
(Dân trí) - Sau lần thứ 4 về thăm Thanh Hóa, Bác Hồ đã gửi tặng nhân dân xã Yên Trường, huyện Yên Định (Thanh Hóa) một chiếc máy cày được xem là hiện đại nhất thời bấy giờ. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, chiếc máy cày được nhân dân Thanh Hóa xem như là “báu vật” và luôn gìn giữ cẩn thận.
Mặc dù đã ở vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Trịnh Gia Vân (90 tuổi), nguyên xã đội trưởng xã Yên Trường, huyện Yên Định vẫn còn khá minh mẫn. Trong ký ức, cụ Vân vẫn còn nhớ như in buổi sáng ngày 11/12/1961, máy bay trực thăng chở Bác hạ cánh tại địa phương.
Lúc đó, là xã đội trưởng nên ông được giao phụ trách và triển khai bảo đảm an ninh. Theo cụ Vân, tại xã Yên Trường, Bác đã đi thăm nhà trẻ và nhiều hộ gia đình trong xã. Với những thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, nhân dân và Hợp tác xã Yên Trường đã được Bác liên tục khen ngợi.
Hợp tác xã Yên Trường là điển hình trong sản xuất bông và lúa. Trong xã có 3 điển hình được Bác đã tặng Huy hiệu Bác Hồ, đó là ông Trịnh Hữu Bồng, có thành tích trong trồng cây, bà Hoàng Thị An chiến sĩ thi đua sản xuất ra nhiều phân xanh từ bèo, lá cây và ông Trịnh Gia Minh, có thành tích trong tổ chức, kêu gọi nhân dân làm thủy lợi.
Ông Trịnh Gia Minh (81 tuổi), người từng được Bác Hồ tặng huy hiệu vẫn luôn tự hào về thời khắc được gặp Bác. Khi ấy, ông Minh vừa là bí thư đoàn thanh niên của xã, vừa là đội trưởng của một đội sản xuất thuộc Hợp tác xã.
“Thành tích của xã Yên Trường được Bác về thăm đó là một thành tích chung của tất cả cán bộ nhân dân xã Yên Trường, nhưng nhân dân, cán bộ xã Yên Trường dành cho tôi được nhận phần thưởng đấy. Tôi coi đây là phần thưởng cao quý, vinh dự nhất của cả cuộc đời tôi”, ông Minh xúc động nói.
Trước những tấm gương lao động và phong trào sản xuất giỏi của bà con nhân dân xã Yên Trường, khi về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi tặng xã Yên Trường chiếc máy cày được coi là hiện đại nhất lúc bấy giờ.
Yên Trường, nơi Bác Hồ từng về thăm.
“Khoảng 3 tháng sau ngày Bác về thăm, chúng tôi nhận được tin xuống thị xã Thanh Hóa nhận máy cày Bác tặng. Khi nghe tin này, nhân dân phấn khởi và vui sướng lắm”, cụ Trịnh Gia Vân nhớ lại.
Ông Lê Văn Cận là người cùng với các chuyên gia được cử ra thủ đô nhận và lái máy cày về Thanh Hóa. Năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng ông Cận vẫn nhớ như in, đó là chiếc máy cày đa năng xuất xứ từ Ba Lan có công suất 25 mã lực, có thể kéo, phát điện, bơm nước...
Chiếc máy cày, quà tặng vô giá của Bác Hồ đã trở thành động lực to lớn để nhân dân và chính quyền xã Yên Trường tiếp tục phấn đấu, thi đua đạt nhiều thành tích trong sản xuất. Trong các năm sau đó, nhân dân trong xã đã đào đắp hàng vạn mét khối đất, tham gia công trình thủy nông Nam sông Mã và xây dựng gần 20 km mương thủy lợi.
Bác Hồ khen việc trồng cây gây rừng có tiến bộ. Hợp tác xã đã trồng được 1 vạn cây lấy gỗ và cây ăn quả.
Đồng thời, phong trào trồng cây ở xã Yên Trường ngày ấy cũng phát triển mạnh với hàng vạn cây ăn quả và cây lấy gỗ mỗi năm. Sản xuất phát triển, đời sống tinh thần của nhân dân trong xã ngày càng được nâng lên.
Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chính quyền và nhân dân xã Yên Trường đã có nhiều đóng góp về sức người sức của, nhất là góp lương thực cho các chiến trường. Yên Trường đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Lao động hạng nhất, 2 Huân chương Lao động hạng nhì, 2 Huân chương Lao động hạng ba. Đặc biệt, năm 2000, xã Yên Trường vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Đến năm 1976, chiếc máy cày đã dừng hoạt động, được Đảng bộ và nhân dân Yên Trường gìn giữ, bảo vệ cẩn thận. Đầu những năm 1990 chiếc máy cày đã được đưa về Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa để trưng bày.
Với nhân dân Thanh Hóa nói chung, bà con nhân xã Yên Trường nói riêng, chiếc máy cày là món quà đặc biệt của Người dành tặng cho địa phương. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, chiếc máy cày như là một “báu vật” đã và đang được gìn giữ cẩn thận.
Bác Hồ khen phụ nữ Yên Trường có nhiều thành tích, như cô An (tức Hoàng Thị An, thôn Lưu Khê, xã Yên Trường - ngồi bên phải Bác) đã làm được 100m3 thủy lợi (bình quân đầu người trong xã mới đạt 18m3), 140 tạ phân và 300 ngày công.
Duy Tuyên