TPHCM:
Cây xăng bán nhỏ giọt 20.000 đến 30.000 đồng/người, cơ quan quản lý nói gì?
(Dân trí) - Sở Công Thương TPHCM khẳng định, tất cả cây xăng ngừng hoạt động trước khi được chấp thuận đều bị xử lý. Tuy nhiên, việc bán cầm chừng cũng có thể coi là giải pháp linh động khi nguồn xăng hạn chế.
Chiều 10/10, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, chủ trì buổi trả lời một số cơ quan báo chí về hiện tượng người dân gặp khó khăn khi mua xăng diễn ra những ngày qua. Lãnh đạo Sở Công Thương tiếp tục khẳng định, tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Tại buổi làm việc, phóng viên Dân trí đặt vấn đề, theo ghi nhận, ngoài những cửa hàng phải đóng cửa do cạn nguồn cung, một số nơi bán nhỏ giọt cho khách hàng với định mức 20.000 - 30.000 đồng/người. Việc này có dấu hiệu vi phạm các quy định hay không, và nếu có sẽ bị xử lý ra sao?
Ông Nguyễn Nguyên Phương thông tin, theo quy định, các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu phải có ý kiến chấp thuận của Sở Công Thương trước khi đóng các cửa hàng. Trường hợp doanh nghiệp tự ý đóng cửa trước khi được chấp thuận sẽ bị xử lý.
"Việc xử lý cần kèm theo điều kiện là cơ quan quản lý xác định có hiện tượng găm hàng, chờ lên giá để bán hay không. Cơ quan quản lý thị trường, chính quyền các quận, huyện sẽ xem xét vấn đề này thông qua kiểm tra nguồn dự trữ, hoạt động mua bán, doanh nghiệp có khó khăn, vướng mắc về nguồn cung hay không", ông Nguyễn Nguyên Phương phân tích.
Đối với hiện tượng một số cửa hàng bán nhỏ giọt, lãnh đạo Sở Công Thương nhận định, đây cũng có thể xem là giải pháp để duy trì hoạt động, thay vì đóng cửa hoàn toàn. Việc bán cho khách theo giới hạn chỉ mang tính tình huống ở một số cửa hàng và không diễn ra thường xuyên, liên tục.
"Chúng ta cần đánh giá, xem xét một cách hợp lý. Ngoài ra, nếu họ gặp khó khăn về nguồn cung mà mình chưa cung ứng kịp thời thì cũng khó xử lý. Trong trường hợp doanh nghiệp đã được hỗ trợ mà vẫn cố tình bán cầm chừng, nhỏ giọt thì cơ quan quản lý mới có hướng xử lý.
Phó Giám đốc Sở Công Thương thông tin thêm, hiện tại, toàn địa bàn có 58 cây xăng tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động gián đoạn, chiếm hơn 10% trong tổng số cửa hàng kinh doanh xăng, dầu (550 cửa hàng). Những cửa hàng này chủ yếu của các doanh nghiệp nhỏ lẻ.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc người dân gặp khó trong mua xăng những ngày qua bởi các cây xăng đã đặt hàng nhưng nhà cung cấp mang tới chưa kịp thời. Ngoài ra, vào giờ cao điểm, nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao nhưng các xe bồn vận chuyển không được hoạt động trong khoảng thời gian này.
Về giải pháp, Sở Công Thương đã làm việc với các doanh nghiệp để lắng nghe, trao đổi, động viên và chia sẻ các khó khăn. Sở cũng báo cáo UBND TPHCM kiến nghị tới Bộ Công Thương một số phương án.
"Các kiến nghị của TPHCM đã được Bộ Công Thương lắng nghe và có hướng điều chỉnh về chi phí vận chuyển đối với mặt hàng xăng, dầu. Với kỳ điều chỉnh giá ngày mai, chúng tôi cho rằng những khó khăn của doanh nghiệp sẽ tạm thời được xử lý", đại diện Sở Công Thương TPHCM bày tỏ.
Ngoài ra, ông Phương đánh giá, hiện tại, các cửa hàng nhỏ lẻ có bồn dự trữ xăng nhỏ sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong duy trì nguồn hàng giờ cao điểm. Do đó, Sở Công Thương đã gửi danh sách một số xe bồn tiếp ứng xăng trong giờ cao điểm để Sở GTVT và Công an TPHCM hỗ trợ.
"Tôi cho rằng, nếu không linh động, tính toán, điều chỉnh cho các xe vận chuyển xăng dầu lưu thông giờ cao điểm thì tình trạng thiếu xăng cục bộ sẽ còn xảy ra", ông Nguyễn Nguyên Phương cho hay.
Tình trạng người dân gặp khó khăn trong việc mua xăng được ghi nhận những ngày gần đây và cao điểm là chiều tối 9/10. Trong đêm 9/10, Sở Công Thương đã huy động 80 xe bồn để vận chuyển 1.600m3 xăng tiếp ứng cho các cây xăng trên địa bàn.