1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Cây đa 200 tuổi nặng 120 tấn hồi sinh sau hơn một năm bị đổ

Quốc Triều

(Dân trí) - Cây đa 200 tuổi bị đổ được đưa đến núi Thiên Bút (TP Quảng Ngãi) để trồng lại. Sau một năm rưỡi được chăm sóc cẩn thận, cây đa cổ đã đâm chồi xanh tốt.

Tháng 9/2021, cây đa 200 năm tuổi trên đường Nguyễn Văn Linh (TP Quảng Ngãi) bật gốc. Cây có đường kính khoảng 4m, cao hơn 20m. Cây quá lớn nên khi bật gốc đã làm hư hỏng 3 ngôi nhà. 

Cây đa cổ này gắn liền với đời sống của nhiều thế hệ người dân Quảng Ngãi. Do đó người dân có nguyện vọng đưa cây đến địa điểm mới trồng lại. Nguyện vọng của người dân đã được chính quyền TP Quảng Ngãi thực hiện.

Cây đa 200 tuổi nặng 120 tấn hồi sinh sau hơn một năm bị đổ - 1

Sau khi chặt tỉa, phần gốc đa nặng khoảng 120 tấn được đưa đến núi Thiên Bút để trồng lại (Ảnh: Quốc Triều).

Cây đa được vận chuyển đến núi Thiên Bút cách đó 4km để trồng lại. Tuy nhiên, phải mất đến 5 ngày với nhiều xe cẩu "khủng" mới có thể hoàn thành công việc. Sau khi trồng ở điểm mới, cây được các chuyên gia sinh vật cảnh chăm sóc cẩn thận nhằm tăng tỷ lệ sống.

Cây đa 200 tuổi nặng 120 tấn hồi sinh sau hơn một năm bị đổ - 2

Sau một năm rưỡi được chăm sóc cẩn thận, cây đa cổ đang hồi sinh (Ảnh: Quốc Triều).

Theo quan sát của PV, sau một năm rưỡi, cây đa đã bén rễ trên núi Thiên Bút. Cành lá bắt đầu phát triển mạnh, xanh mơn mởn. Để giúp đa cổ thụ đứng vững, đơn vị chăm sóc đã dùng trụ bê tông, dây cáp chằng chống kỹ. Hệ thống tưới tự động cũng được lắp đặt nhằm cung cấp đủ nước cho cây.

Cây đa 200 tuổi nặng 120 tấn hồi sinh sau hơn một năm bị đổ - 3

Cây được che chắn, chằng chống cẩn thận nhằm đảm bảo cho bộ rễ có thể hồi sinh tốt nhất (Ảnh: Quốc Triều).

Cây đa 200 tuổi nặng 120 tấn hồi sinh sau hơn một năm bị đổ - 4

Cành lá mơn mởn bắt đầu đâm ra từ thân, tuy nhiên các chuyên gia sinh vật cảnh cho biết cây đa cổ vẫn chưa chắc chắn sống do bộ rễ quá già cỗi (Ảnh: Quốc Triều).

Theo ông Trần Bảo Phát - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi, tâm nguyện của người dân là muốn để cây ở lại phường Trương Quang Trọng. Tuy nhiên, tại phường Trương Quang Trọng không có vị trí mới nào phù hợp để trồng lại do cây quá lớn. Do đó Hội Sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi đề xuất đưa về núi Thiên Bút.

Thời gian qua, Hội Sinh vật cảnh đã tham mưu cho các cơ quan chuyên môn các biện pháp phù hợp nhằm hồi sinh cây đa cổ. Cây được chăm sóc rất cẩn thận, đảm bảo bộ rễ có khả năng phục hồi tốt nhất.

"Hiện cây đã phát triển cành lá, chồi non mơn mởn nhưng bộ rễ chính của cây đã bị thoái hóa, cây còn rất yếu. Do đó vẫn chưa thể chắc chắn cây có khả năng sống được bao nhiêu phần trăm", ông Phát nói thêm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm