Cầu Đò Bè được xây dựng từ năm 1977 với chiều dài hơn 35m, rộng 20m. Cầu được làm bằng bê tông. Cây cầu bắc qua nhánh sông Lạch Bạng, nối xã Hải Thanh với xã Bình Minh, các cảng cá và trung tâm buôn bán của huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Trung bình một ngày có hàng trăm lượt xe và hàng nghìn người dân, học sinh qua cầu.
Mặt cầu xuống cấp nghiêm trọng
Tuy nhiên, nhiều năm nay cầu bị xuống cấp nghiêm trọng, đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra do cầu hư hỏng. Lan can cầu gần như bị gãy hết, mặt cầu bong lóc, phía dưới cầu nứt thành từng đoạn. Mỗi lần xe cộ chạy qua là cầu rung chuyển mạnh. Cầu không còn hành lang dành cho người đi bộ. Nhưng gần 8 năm nay, cầu chưa được sửa chữa
Em Nguyễn Duy Thắng, một học sinh thường xuyên đi qua cây cầu tâm sự: "Phải đi học qua cây cầu này, sợ lắm. Nhất là hôm nào có xe tải chạy qua, chân cầu rung lên như muốn gãy đôi, rất nguy hiểm. Em có nghe bố kể lại, trước kia đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra tại cầu này rồi”.
Xã Hải Thanh là một xã vùng biển thuộc huyện Tĩnh Gia, với dân số hơn 17.000 người, chủ yếu phát triển kinh tế bằng nghề đánh bắt cá và chế biến thủy hải sản. Xã nằm trong tuyến đường giao thông quan trọng, nối với xã Bình Minh, cảng cá Lạch Bạng (cảng cá lớn nhất huyện Tĩnh Gia), các điểm du lịch như khu di tích Quang Trung - Lạch Bạng, các điểm du lịch thuộc Đảo Mê...
Mỗi ngày, cảng cá Lạch Bạng có khoảng 50 tàu cập bến với hơn 50 tấn cá được vận chuyển lên bờ, cần phải đi qua cây cầu Đò Bè.
Lối dành cho người đi bộ qua cầu đã thủng thành mảng lớn
Anh Nguyễn Duy Hoàng người dân xã Hải Thanh bức xúc: “Tôi thường xuyên đi làm về muộn, mỗi lần đi qua cầu buổi tối rất sợ. Có hôm, chút nữa là bị rơi xuống sông, vì xe đi qua ổ gà lớn mà không thấy, xe mất tay lái, lan can cầu lại bị hỏng nên không có điểm tựa. Nếu là người ở xa đến chắc bị rơi xuống sông rồi”.
Không chỉ có những chuyến xe tải chở cá hay những người dân đi lại buôn bán, cầu Đò Bè còn có hàng trăm học sinh THPT trong xã đi học hàng ngày. Riêng toàn xã Hải Thanh đã có gần 1.000 học sinh THPT phải hàng ngày đối diện với sự nguy hiểm bởi tình trạng xuống cấp của cây cầu.
“Những chỗ thủng trên mặt cầu, vô tình trở thành cái bẫy cho người đi đường. Đi xe đạp và người đi bộ là nguy hiểm nhất, bởi cầu không còn lan can, hành lang đi lại rất hẹp nên chúng em thường xuyên phải đi sát vào mép cầu, chỉ cần một chiếc xe tải chở nặng đi qua, mặt cầu rung chuyển và khả năng xảy ra tai nạn cao”, Dung, một học sinh lớp 11 cho hay.
Để hạn chế rủi ro tai nạn, chính quyền địa phương đã cấm các loại phương tiện có trọng tải hơn 8 tấn đi lại qua cầu. Tuy nhiên, do nhu cầu đi lại nhiều, ý thức người dân còn hạn chế nên tình trạng xe ô tô có trọng tải lớn vẫn chạy trộm qua cầu, khiến cầu ngày càng hư hỏng nặng.
Mỗi lần xe tải đi qua, cầu rung lên rất nguy hiểm
Anh Nguyễn Văn Sơn phàn nàn: “Gia đình tôi thường xuyên thu mua hàng chục tấn cá dưới cảng lên, cần phải đi qua cầu. Nhưng mấy năm nay, chính quyền xã đã cấm các xe có trọng tải lớn đi qua cầu, buộc chúng tôi phải thuê bãi xếp hàng trên thị trấn, rồi lại thuê xe có trọng tải nhỏ vận chuyển cá lên bãi, trải qua nhiều công đoạn nên lời lãi cũng chẳng còn là bao”.
Vừa bê từng rổ cá khó nhọc bỏ lên xe, anh Biên vừa hổn hển: “Trước kia, cầu Đò Bè chưa bị hư hỏng, những người làm nghề chài lưới như chúng tôi cũng kiếm được đồng ra đồng vào nuôi vợ con, nay cầu hỏng nặng, cấm các xe trọng tải lớn nên việc vận chuyển cá ra khỏi cảng gặp rất nhiều khó khăn. Mong sao sớm có cây cầu mới bắc qua sông cho chúng tôi được yên ổn làm ăn”.
Người dân nơi đây luôn nơm nớp lo sợ mỗi khi qua cầu (Ảnh: Nguyễn Thúy)
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Viết Xuân, Phó chủ tịch UBND xã Hải Thanh cho biết: “Cầu Đò Bè thuộc quản lý của huyện. Một năm có khoảng 4.800 - 5000 tấn cá cùng các loại thủy hải sản được vận chuyển từ cảng Lạch Bạu qua cầu Đò Bè, chưa tính cá của các đội tàu thu mua và tàu nơi khác đến bán.
Tuy nhiên, nhiều năm nay cầu bị xuống cấp nghiêm trọng, việc đi lại gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm. Chúng tôi đã cấm các loại xe có trọng tải trên 8 tấn đi qua cầu, để tránh tình trạng sập cầu. Vậy nhưng, biện pháp tạm thời này lại ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế biển của người dân xã Hải Thanh và các xã lân cận, khiến thu nhập người lao động bị hạn chế. Về lâu dài, cầu cần được sửa chữa, tu bổ hoặc xây dựng mới hoàn toàn để đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân. Nhưng, ngân sách xã còn hạn hẹp, chúng tôi đã báo cáo lên cấp huyện nhờ giúp đỡ nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm”.
Lan Anh - Nguyễn Thúy - Duy Tuyên