1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cầu Thủ Thiêm 4 có thiết kế độc đáo thế nào?

Tâm Linh

(Dân trí) - Sau cầu Phú Mỹ có tĩnh không thông thuyền 45m, cầu Thủ Thiêm 4 là cây cầu được thiết kế tĩnh không cao giúp tàu thuyền lớn qua lại khu vực cảng Sài Gòn.

Ngày 4/12, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã trình UBND TPHCM kết quả nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo phương thức đối tác công tư (PPP), để hoàn thiện hồ sơ trình thành phố tiến tới triển khai các thủ tục tiếp theo.

Theo Sở GTVT, thiết kế cầu Thủ Thiêm 4 sẽ có nhịp chính thông thuyền giống cầu Jacques Chaban-Delmas bắc ngang sông Garonne ở thành phố cảng Bordeaux (Pháp).

Cầu Thủ Thiêm 4 có thiết kế độc đáo thế nào? - 1

Hoạt động của cầu Jacques Chaban-Delmas, minh họa cho thiết kế cầu Thủ Thiêm 4 (Nguồn: Youtube/David Aubert).

Cấu trúc nâng hạ nhịp chính giúp mở tĩnh không cao tối đa 45m giúp tàu thuyền lớn như tàu khách quốc tế qua lại trên sông Sài Gòn để vào trung tâm thành phố, đồng thời tạo nên nét độc đáo cho thành phố, trở thành điểm nhấn thu hút du khách đến tham quan, tạo thuận lợi cho việc khai thác bến tàu khách quốc tế trên sông Sài Gòn. 

Theo thiết kế từ năm 2017, cầu Thủ Thiêm 4 dài 2,16km trong đó phần cầu bắc ngang sông dài hơn 1,6km; rộng 28m với 6 làn xe (4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp) và 2 lề bộ hành. Cầu có tuổi thọ thiết kế 100 năm, chịu được động đất cấp 7.

Trong nhiều cuộc hội thảo trước đây, các chuyên gia đã đặt vấn đề, làm sao để cầu Thủ Thiêm 4 xây xong vẫn giữ được giá trị lịch sử, văn hóa đồng thời đưa TPHCM trở thành thành phố cảng quốc tế.

Cầu Thủ Thiêm 4 có thiết kế độc đáo thế nào? - 2

Vị trí cầu Thủ Thiêm 4 giao cắt với cảng Tân Thuận thuộc cảng Sài Gòn (Ảnh: Sở Giao thông Vận tải TPHCM).

Lộ trình cầu bắt đầu từ cầu Tân Thuận 2 đi dọc đường Nguyễn Văn Linh, rẽ trái ở ngã tư Huỳnh Tấn Phát nối vào đường Lưu Trọng Lư (quận 7). Cầu tiếp tục cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt sông Sài Gòn nối khu đô thị Thủ Thiêm tại giao lộ trục Bắc Nam và tuyến R4.

Khi cầu đi vào hoạt động sẽ rút ngắn khoảng 20km di chuyển giữa khu Nam (quận 4, 7, huyện Nhà Bè) với khu Đông (TP Thủ Đức), thay vì phải đi qua khu vực trung tâm quận 1.

Đồng thời, cây cầu mới sẽ giải quyết được lưu lượng lớn giao thông giữa hai khu, cải thiện tình trạng kẹt xe nghiêm trọng trên các cung đường về hướng quận 1 như Nguyễn Tất Thành, đường Hoàng Diệu, cầu Kênh Tẻ, đường Huỳnh Tấn Phát…

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai cầu Thủ Thiêm 4, cảng Tân Thuận (quận 7) sẽ được di dời xuống Hiệp Phước và khu vực Cần Giờ. Theo đó, các xe container vào cảng đi trên các tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Tất Thành cũng sẽ giảm, hạn chế tình trạng nguy hiểm giao thông.

Theo quy hoạch, khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ kết nối với các khu vực khác của thành phố bằng 5 cây cầu và một hầm chui. Trong đó, khu này đã kết nối với quận 1 bằng cầu Thủ Thiêm 1, 2 và hầm chui vượt sông Sài Gòn.

Cầu Thủ Thiêm 4 có thiết kế độc đáo thế nào? - 3

Quy hoạch hệ thống các cầu trên sông Sài Gòn (Ảnh: Sở GTVT TPHCM).

Tổng mức đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 4 theo báo cáo hiện tại khoảng 6.030 tỷ đồng (vốn ngân sách góp gần 50%, còn lại là vốn của nhà đầu tư). Dự án được đề xuất thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).  Về tiến độ, công trình dự kiến khởi công vào năm 2025 và hoàn thành năm 2028.

Tháng 11/2022, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã đề xuất đặt, đổi tên các cầu Thủ Thiêm, thay số thứ tự 1-4 bằng tên mới lần lượt thành cầu Thủ Thiêm, cầu Ba Son, cầu Thủ Ngữ, cầu Bến Nghé.

Trong đó, cầu Thủ Thiêm 4 sẽ có tên gọi mới là cầu Bến Nghé.