1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ tàu hỏa đâm ô tô ở Đồng Nai:

“Cầu không có tội, lỗi do con người”

(Dân trí) - “Tai nạn trực tiếp khi xung đột sử dụng chung hệ thống đường tàu hỏa và ô tô tại cầu Ghềnh (Đồng Nai) là vụ việc hiếm gặp trong lịch sử giao thông đường sắt Việt Nam. Theo tôi, cầu không có tội mà lỗi do con người”, Tiến sỹ Khuất Việt Hùng nói.

Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khi sử dụng chung hạ tầng giao thông giữa tàu hỏa và ô tô xảy ra tại cầu Ghềnh (Đồng Nai) hôm mùng 4 Tết vừa qua khiến 2 người thiệt mạng và hơn 20 người khác bị thương đang gây xôn xao trong dư luận xã hội. Liên quan đến vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Khuất Việt Hùng - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông Vận tải.
 
“Cầu không có tội, lỗi do con người” - 1
Hiện trường vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa  tàu hỏa và ô tô hôm mùng 4 Tết tại cầu Ghềnh (Đồng Nai)

Thưa Viện trưởng, trong vụ tai nạn giao thông thảm khốc giữa tàu hỏa và ô tô tại cầu Ghềnh (Đồng Nai), ông nhìn nhận như thế nào về cách thức tổ chức giao thông chung giữa cầu đường sắt và cầu đường bộ?

Xung đột trực tiếp sử dụng chung hệ thống đường tàu hỏa và ô tô tại cầu Ghềnh là vụ tai nạn hiếm gặp trong lịch sử giao thông đường sắt Việt Nam, rất đáng tiếc vụ việc lại xảy ra ở 1 địa phương phát triển như Đồng Nai.

Vụ việc là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông, đặc biệt là công tác của người đảm bảo an toàn giao thông, mà ở đây cụ thể là nhân viên gác chắn tàu.

Dư luận xã hội nêu ý kiến về cách thức tổ chức giao thông “lẫn lộn” giữa đường sắt và đường bộ là bất cập đã dẫn tới vụ tai nạn nên cần phải được đưa ra xem xét. Là một chuyên gia nghiên cứu về giao thông, ông nghĩ sao về điều này?

Việt Nam không phải là nước duy nhất sử dụng chung hạ tầng giao thông cầu đường sắt và đường bộ. Trên thế giới, nhiều nước cũng có cách thức tổ chức giao thông chung tương tự như: Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia hay nhiều quốc gia khác ở châu Phi. Vì vậy, việc sử dụng chung cầu đường sắt và đường bộ không có gì là lạ lẫm và hoàn toàn bình thường.

Ở Việt Nam, hệ thống đường sắt quốc gia Bắc - Nam được xây dựng từ thời Pháp thuộc, khi đó nhu cầu lưu thông rất thấp nên hạ tầng này được sử dụng chung giữa đường sắt và đường bộ. Tuy nhiên, hàng trăm năm nay, quy trình vận hành đường sắt được thực thực hiện rất nghiêm ngặt. Vì vậy, tai nạn xảy ra, lỗi không phải do hạ tầng mà là do yếu tố con người.
 
“Cầu không có tội, lỗi do con người” - 2
"Cần thiết phải dùng đến biện pháp tự động hóa hệ thống điều khiển và tách cầu đường, thậm chí cưỡng chế giao thông"

Hiện cả nước có khoảng hơn 10 điểm cầu sử dụng chung hạ tầng giao thông đường sắt và đường bộ, vậy ông đánh giá như thế nào về sự tồn tại song song của 2 loại hình giao thông sử dụng chung 1 hạ tầng, liệu những vụ tai nạn tương tự có xảy ra?

Đó là 1 hiện thực giao thông của Việt Nam và chúng ta không thể nói thêm điều gì cả, là hiện thực của việc chúng ta thiếu quan tâm đến cơ sở hạ tầng đường sắt trong suốt thời gian dài. Từ năm 1986 chúng ta đổi mới nhưng từ đó đến nay dường như chúng ta lại “lãng quên” sự đổi mới cho hệ thống đường sắt trọng điểm quốc gia của chúng ta.

Hệ thống giao thông đường sắt không được đầu tư hoặc nếu có cũng rất ít và không xứng tầm, không đúng với vai trò quan trọng đặc biệt trong hệ thống giao thông quốc gia trên Quốc lộ 1A huyết mạch.

Vấn đề ở đây là trong một cơ chế rất thuận lợi về chính trị và đầu tư thì dường như đường sắt lại bị “bỏ quên” nên cơ sở hạ tầng rất kém. Tôi cảm thấy trong “cuộc chiến” về phòng chống tai nạn giao thông, ngành đường sắt rất đơn độc.

Còn chuyện có xảy ra tai nạn thảm khốc tương tự như ở cầu Ghềnh hay không thì tôi chỉ có thể trả lời rằng: tất cả mọi việc chỉ có thể là tương đối chứ không bao giờ đạt tuyệt đối. Luật giao thông, đặc biệt là giao thông đường sắt rất nghiêm ngặt nhưng người vi phạm Luật, coi thường Luật lại không ít.

Trở lại vụ tai nạn ở cầu Ghềnh (Đồng Nai) mới đây, theo ông vấn đề hạ tầng giao thông ở đây có phải là một trong những nguyên nhân?

Cầu Ghềnh đã tồn tại hàng trăm năm và hàng ngày vẫn đón rất nhiều chuyến tàu đi qua, vì vậy hạ tầng chỉ là yếu tố rất nhỏ, còn con đường nó không có chân nên nếu đổ lỗi tại cơ sở hạ tầng không đảm bảo thì không lẽ ngày nào cũng xảy ra tai nạn?

Thực tế, liên quan đến vụ tai nạn này, phía công an đã kết luận nguyên nhân là do nhân viên gác chắn không làm hết tinh thần trách nhiệm của mình, đáng lẽ ít nhất họ phải làm được việc là không cho xe taxi đi ngược chiều và ra tín hiệu cảnh báo dừng tàu khi chưa thông cầu. Rõ ràng là cái cầu không có tội mà lỗi do con người.
 
“Cầu không có tội, lỗi do con người” - 3
Cơ sở hạ tầng đường sắt quốc gia phải được quan tâm xứng tầm

Tai nạn đã xảy ra và những nguy cơ mất an toàn giao thông thì vẫn rất cao, ông có thể cho biết giải pháp nào có thể ngăn chặn được tình hình này?

Việc đầu tiên và trước mắt là phải đảm bảo an toàn giao thông cho thật tốt. Cây cầu có tính chất quan trọng hơn nhiều một số đường chắn, đường ngang dân sinh, vì vậy một số giải pháp rẻ tiền khi mà trong trong 5 - 10 năm tới chưa thể tách được cầu đường sắt và đường bộ là giải pháp tự động hóa hệ thống điều khiển chắn tàu, phải đóng hoàn toàn khi tàu lưu thông, thậm chí huy động thêm nhân lực tham gia đảm bảo an toàn giao thông.

Ngoài ra về vấn đề cơ sở hạ tầng, đã bao giờ ngành đường sắt yêu cầu ngành chức năng, yêu cầu địa phương dành riêng cầu đường này cho tàu hỏa hay chưa? Mặt khác, phía địa phương có đồng ý, có ưu tiên đầu tư xây dựng thêm một cầu đường bộ mới để “đóng cửa” cầu đường bộ song song, tách bạch hoạt động giao thông tại đây?

Còn người tham gia giao thông có nghiêm túc thực hiện Luật giao thông hay không? Lực lượng tổ chức giao thông, hướng dẫn giao thông có làm hết trách nhiệm? Văn hóa giao thông được thực hiện như thế nào? Trong trường hợp cụ thể như thế này thì cần thiết phải cưỡng chế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quỳnh Anh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm