1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cầu Ghềnh: Nguy hiểm được báo trước

(Dân trí) - Đường ray xe lửa chạy trên cầu Ghềnh đồng thời cũng là đường dành cho xe ô tô lưu thông theo hướng Bắc - Nam. Nhưng do lỏng lẻo trong việc quản lý nên ô tô ngược chiều và các phương tiện khác vẫn vô tư đi trên làn đường này.

Cầu Ghềnh (thuộc phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) - nơi vừa xảy ra tai nạn kinh hoàng làm 2 người chết và 26 người bị thương - được chia làm ba làn đường. Hai làn đường hai bên dành cho xe hai - ba bánh; làn đường ở giữa là đường ray xe lửa đồng thời là đường lưu thông một chiều cho xe ô tô theo hướng Bắc - Nam.

Tuy vậy, nhìn vào dòng xe cộ ở làn đường ray, người ta sẽ nghĩ đây là làn đường hai chiều, dành cho ô tô, xe máy và cả… người đi bộ. Dù có biển cấm nhưng người tham gia giao thông vẫn “tỉnh bơ”, qua lại ngay giữa đường ray xe lửa.

Do làn đường dành cho xe máy hai bên quá hẹp, thường bị kẹt nên người điều khiển phương tiện này vẫn chọn đi giữa đường ray. Ô tô hướng Nam - Bắc trên lý thuyết không được qua cầu nhưng trên thực tế, chẳng ai cấm mà cũng chẳng ai xử phạt nên nhiều xe vẫn vô tư ngược chiều qua cầu.

Đoạn đường này rất hẹp, chỉ một ô tô qua được nên khi hai xe ngược đường cùng lên cầu sẽ gặp cảnh “dê đen dê trắng”, một xe phải lùi lại để xe kia qua trước.

Nhiều người dân dân sống quanh đây đã không ít lần chứng kiến những cuộc đụng độ, cãi vã, giành đường của người điều khiển phương tiện diễn ra trên cầu, ngay giữa đường ray.

“Tôi chẳng hiểu được tại sao đường ray xe lửa lại còn dành cho ô tô lưu thông. Rồi các phương tiện cấm khác vẫn thường xuyên đi giữa đường ray qua cầu mà chẳng thấy ai xử phạt. Nhân viên gác cầu vẫn để xe máy đi vào đường ray, ô tô đi ngược chiều… Cấm nhưng lại được đi tự do như vậy, người dân sao lường hết được nguy hiểm?”, một người dân sống gần khu vực cầu Ghềnh bức xúc.

Người này đồng tình, ngoài việc lỏng lẻo của cơ quan quản lý, ý thức người tham gia giao thông cũng rất kém. Biết là cấm nhưng do không bị xử phạt nên muốn nhanh, nhiều người vẫn đi vào làn đường này bất chấp nguy hiểm.

Trưa 7/2, sau ngày xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng trên cầu Ghềnh, chúng tôi ghi nhận vẫn chưa có lệnh cấm nào đối với các phương tiện đi sai quy định trên cầu Ghềnh. Xe máy, ô tô ngược chiều vẫn thoải mái lưu thông qua cầu trên đường ray. Cùng với sự chủ quan, ý thức của người dân, đúng là tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhất là khi các phương tiện thường phải dừng xe trên cầu để giải quyết xung đột giành đường khi qua đây.

Ông Tạ Nguyên Thứ, nhân viên gác cầu Ghềnh hơn mười năm nay cho hay: làn đường dành cho xe máy trên cầu rất hẹp, chỉ đi một xe đi được nên những lúc cao điểm, nhiều người buộc phải đi giữa làn đường ray để qua cho kịp giờ. Rồi có những lúc làn đường xe máy vắng nhưng nhiều người vẫn đi giữa đường ray vì đường rộng hơn.

“Việc dùng chung đường lưu thông cho tàu lửa lẫn ô tô đã rất nguy hiểm. Thêm ý thức người dân, lưu thông không chấp hành quy định thì nguy hiểm còn nhân lên gấp bội”, ông Thứ đánh giá.

Mức độ nguy hiểm ở Cầu Ghềnh thật ra đã “lọt” vào “tầm ngắm” của ngành đường sắt. Được biết, cách đây không lâu đơn vị này đã có văn bản phản ánh gửi cơ quan chức năng về tình trạng ách tắc và phương tiện lưu thông ở cầu Ghềnh.

Ngoài cầu Ghềnh, hiện nước ta còn 4 chiếc cầu khác cũng dùng chung cho tàu hỏa và ô tô cùng lưu thông trên một đường, là cầu Tam Bạc (Hải Phòng), cầu Phố Lu (Lào Cai), cầu Phú Lương (Hải Dương) và cầu ở khu Tháp Chàm (Bình Thuận).

Những hình ảnh xe cộ vẫn tự do đi trên cầu Ghềnh đầy nguy hiểm được Dân trí ghi lại vào trưa 7/2:

Cầu Ghềnh: Nguy hiểm được báo trước - 1

Sau vụ tai nạn ngày 6/2, xe máy vẫn tự do băng vào đường cấm ngay giữa ray xe lửa
Cầu Ghềnh: Nguy hiểm được báo trước - 2

Cầu Ghềnh là một trong những đoạn đường dùng lưu thông chung cho xe lửa và ô tô

Cầu Ghềnh: Nguy hiểm được báo trước - 3

Nhưng đến người đi bộ cũng thản nhiên qua cầu

Cầu Ghềnh: Nguy hiểm được báo trước - 4

Nhân viên gác tàu để xe máy qua cầu ở làn đường treo biển dành cho tàu hỏa, ô tô

Cầu Ghềnh: Nguy hiểm được báo trước - 5


Cầu Ghềnh: Nguy hiểm được báo trước - 6

Sát giờ tàu qua vẫn cố phi sang cầu (Ảnh: Hoài Nam)

Hoài Nam - Hoài Lương