Vụ tàu gây tai nạn ở cầu Ghềnh: Xác định lỗi của nhà tàu
(Dân trí) - Nguyên nhân vụ tàu hỏa đâm hàng loạt xe trên cầu Ghềnh ở Đồng Nai tối 6/2 được xác định do nhân viên gác chắn 3 và 4 không tuân thủ quy định điều khiển đèn tín hiệu để phương tiện lưu thông vào lòng cầu Ghềnh, gây thương vong và ách tắc giao thông.
Đã xác định nguyên nhân vụ tàu gây tai nạn ở cầu Ghềnh (ảnh A.H)
Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh khởi tố vụ án hình sự về tội “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đồng thời ra quyết định tạm giữ hình sự 7 đối tượng gồm: Nguyễn Văn Túy (lái tàu chính), Nguyễn Xuân Phú (lái tàu phụ), Tô Quang Toán (nhân viên bảo trì đèn tín hiệu), Trần Văn Thời (nhân viên gác chắn), Trần Viết Hải (nhân viên gác chắn), Bùi Văn Thuần (nhân viên gác chắn) và Nguyễn Văn Lương (nhân viên gác chắn).
Tàu hỏa SE2, đầu kéo 951 do Nguyễn Văn Túy (sinh năm 1968 ngụ ấp 2, xã Minh Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bình Phước) điều khiển hành trình hướng TP.HCM đi Hà Nội va chạm 6 ô tô đang lưu thông trong lòng cầu (ô tô tải nhẹ biển kiểm soát 60N-6320 và 5 ô tô con biển số: 56K-9687, 56K-8595, 52S-2412, 52Y-3266, 60V-7834).
Chị Vũ Thị Huyền (SN 1950, ngụ tại phường Long Bình) bị chấn thương sọ não đang điều trị ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Được biết, tàu SE2 vừa rời ga Sài Gòn lúc 19h thì chỉ hơn 30 phút sau xảy ra vụ tai nạn. Theo báo cáo của Ban An toàn đường sắt tàu SE2 chạy đúng với tốc độ cho phép là 60 km/h. Ngoài ra đoạn đường xảy ra tai nạn vừa qua là đoạn kết hợp giữa đường sắt và đường bộ với một chiều lưu thông nên khi có tàu hỏa các phương tiện tham gia giao thông đều không được phép qua cầu.
Theo quy định của ngành đường sắt, khi tàu ở khoảng cách 800m, những người trực gác tại đây sẽ phải bấm bút ra tín hiệu cho lái tàu, nhưng đến nay ngành đường sắt vẫn chưa thể xác định người trực gác có bấm nút hay không.
Được biết năm 2009-2010, theo thống kê của Ban An toàn giao thông đường sắt có tổng cộng 1.045 vụ tai nạn đường sắt (năm 2009 là 594 vụ và 2010 là 451 vụ).
Trong đó có 38 vụ mang tính chất chủ quan, tập trung vào các lỗi như yếu tố kỹ thuật của các toa tàu, chất lượng đường sắt không đảm bảo, chưa có vụ nào nguyên nhân từ lỗi của các nhân viên gác chắn hay phụ trách tín hiệu như lần này.
Thời gian tới, cơ quan chức năng tiếp tục các bước điều tra, kết luận chính xác nguyên nhân và xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Hoài Lương - Trung Kiên