Cầu đường sắt trăm tuổi chính thức trở thành chứng nhân lịch sử của Sài Gòn
(Dân trí) - Cầu sắt Bình Lợi hơn 117 năm tuổi chính thức chấm dứt sứ mệnh đưa những đoàn tàu qua sông Sài Gòn khi cầu Bình Lợi mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng sáng nay 14/9. Lúc này, cây cầu cũ chuyển sang "nhiệm vụ" làm chứng nhân lịch sử cho sự phát triển của TPHCM.
Đúng 8h30 sáng nay 14/9, cầu đường sắt Bình Lợi cũ chính thức đóng cửa, dẫn nhịp qua cầu đường sắt Bình Lợi mới để thông tuyến.
Sở Giao thông Vận tải đề xuất lên UBND TPHCM phương án bảo tồn nguyên trạng tại chỗ 2 nhịp cầu phía bờ quận Thủ Đức, trong đó có một nhịp cầu quay. Riêng đối với phần cầu đường sắt bị tháo dỡ phía quận Bình Thạnh được đề xuất giao Trung tâm Quản lý đường thủy nghiên cứu xây dựng bến thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách và du lịch đường thủy.
Công trình này nằm trong Dự án xây cầu Bình Lợi mới và nạo vét 71 km luồng sông Sài Gòn theo hình thức BOT, vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng.
Khi đi vào hoạt động, cầu sẽ tạo thuận lợi cho các tàu, sà lan có trọng tải đến 5.000 tấn vận chuyển hàng hóa, container từ các cảng biển, bến thủy nội địa ở TPHCM đi các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh, góp phần giảm tải cho đường bộ.
"Mấy ngày qua anh em thi công liên tục, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Gần 2 năm làm ở công trình, tôi mong cầu sớm xong, để tàu hỏa đi lại thuận lợi hơn", một công nhân chia sẻ.
Trong khi cầu cũ có tĩnh không 1,5m, quá thấp nên đã xảy ra nhiều vụ tàu bè va vào cầu gây gián đoạn tuyến đường sắt Bắc - Nam thì cầu mới có tĩnh không cao 7 m nhằm tạo thuận lợi cho tàu bè qua lại
Hôm nay cây cầu hơn trăm tuổi chính thức trở thành một phần của lịch sử Sài Gòn. Những đoàn tàu sẽ di chuyển qua sông Sài Gòn với tốc độ nhanh hơn trên cây cầu mới.
Gần 120 tuổi, đã đến lúc cây cầu được nghỉ ngơi
Vài ngày nữa cây cầu sẽ có nhiệm vụ mới, trở thành chứng nhân cho lịch sử gắn với quá trình hình thành, phát triển Sài Gòn - TPHCM và ngành đường sắt Việt Nam.
Phạm Nguyễn