1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Câu chuyện phía sau nạn sáng hàn, tối phá trên cao tốc Nội Bài - Lào cai

(Dân trí) - Nhiều người kinh doanh hàng quán trái phép trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai cho biết, vì sinh kế hàng ngày, họ sẽ không tháo dỡ những hàng quán này dù biết đó là hành vi sai phạm.

Câu chuyện phía sau nạn sáng hàn, tối phá trên cao tốc Nội Bài - Lào cai

Câu chuyện phía sau nạn sáng hàn, tối phá trên cao tốc Nội Bài - Lào cai - 1

Tổ công tác liên ngành kiểm tra quán cơm sát cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Sau loạt bài phản ánh của báo điện tử Dân Trí, tổ công tác liên ngành gồm UBND huyện Trấn Yên, địa chính xã, công an xã Bảo Hưng, Đội cảnh sát giao thông số 1 (C08, Cục cảnh sát Giao thông), Ban quản lý cao tốc VECOM đi tới từng nhà bán hàng trái phép để lập biên bản vi phạm, yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm.

"Chúng tôi không thể..."

Gia đình bà Đào Thị Hoàn 63 tuổi (huyện Trấn Yên, Yên Bái), có mảnh đất ruộng bị chia làm đôi sau khi dự án làm đường cao tốc Nội Bài, Lào Cai khởi công từ năm 2009. Bà Hoàn cho biết, sau khi làm đường, đất đá từ công trình đường cao tốc trôi xuống 3 sào ruộng khiến gia đình không còn kế sinh nhai. Bà Đào Thị Hoàn cùng các con dựng lán trại trên phần đất cao hơn để bơm nước mui và bán nước, đồ ăn cho lái xe trên đường.

Câu chuyện phía sau nạn sáng hàn, tối phá trên cao tốc Nội Bài - Lào cai - 2

Bà Đào Thị Hoàn, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Hơn 10 năm qua, bà gửi đơn kiến nghị lên UBND xã Bảo Hưng, UBND huyện Trấn Yên để yêu cầu bồi thường hoặc khắc phục 3 sào ruộng để trồng cấy, nhưng đến nay vẫn không được giải quyết.

“Tôi biết hành vi bán hàng trên cao tốc là sai nhưng chính quyền không hỗ trợ chúng tôi nên không còn cách nào khác, đành bán hàng ở đây dù biết là nguy hiểm. Chúng tôi sẽ không tháo dỡ nhà lán này”, bà Hoàn chia sẻ.

Câu chuyện phía sau nạn sáng hàn, tối phá trên cao tốc Nội Bài - Lào cai - 3

Cơ quan chức năng làm việc với gia đình bà Hoàn.

Không chỉ gia đình bà Hoàn mà nhiều gia đình khác ở đây cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Họ cũng chọn cách bán hàng trên cao tốc để duy trì cuộc sống.

Câu chuyện phía sau nạn sáng hàn, tối phá trên cao tốc Nội Bài - Lào cai - 4

Ông Nguyễn Văn Bảy, chủ tịch UBND xã Bảo Hưng (Trấn Yên, Yên Bái).

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Bảo Hưng (Trấn Yên, Yên Bái) cho biết từ năm 2009 đến nay, xã đã nhiều lần tiếp nhận thông tin của người dân, làm báo cáo gửi “cấp trên” để xem xét giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa có động thái gì.

“Thẩm quyền giải quyết việc này không thuộc về xã”, ông Bảy cho biết.

Chưa một lần xử phạt, cưỡng chế

Trong hơn 10 năm qua, các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái lập rất nhiều đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, yêu cầu các hộ kinh doanh cạnh cao tốc Nội Bài – Lào Cai phải tháo dỡ nhà vi phạm, dừng hoạt động bán hàng quán gây nguy hiểm trên cao tốc. “Việc kiểm tra chỉ dừng ở tuyên truyền, nhắc nhở người dân chứ chưa có một biên bản xử phạt hành chính nào, chưa một công trình vi phạm nào bị cưỡng chế tháo dỡ trong 10 năm qua”, ông Bảy nói.

Câu chuyện phía sau nạn sáng hàn, tối phá trên cao tốc Nội Bài - Lào cai - 5

Hàng quán dọc cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoạt động nhiều năm nay.

Ông Bảy cho rằng, không có cung thì sẽ không có cầu. Nguyên nhân người dân bán hàng trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai là do lái xe vi phạm quy định cấm dừng đỗ để mua hàng. Do đó, chỉ cần xử phạt thật nghiêm lái xe dừng đỗ mua hàng trên cao tốc, không có người mua hàng nữa, người dân không bán được cho ai nữa sẽ tự động ngừng kinh doanh!?

Hạn chót để tháo dỡ công trình vi phạm

Sau 2 ngày 18 – 19/5/2020, tổ công tác liên ngành xác định được 14 hộ kinh doanh trái phép cạnh cao tốc Nội Bài - Lào Cai trên địa bàn huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Những hộ dân này vi phạm quy định bán hàng trên cao tốc, dựng cửa hàng trên đất nông nghiệp, không có giấy phép đăng kí kinh doanh…

Tổ công tác tiến hành lập biên bản, yêu cầu những hộ dân này phải ngừng ngay hoạt động kinh doanh, tháo dỡ lều quán trước ngày 22/5/2020. 

Nguyễn Bắc