1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

Cát tặc ngang nhiên lộng hành, dằn mặt người tố cáo, chính quyền "bó tay"!

(Dân trí) - Dù các ngành chức năng huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đã chi cả tỉ đồng để sắm các trang thiết bị ngăn cát tặc, thế nhưng “bờ xôi bãi mật” dọc sông Chu vẫn bị cát tặc ngày đêm đục khoét. Ngang ngược hơn, những kẻ khai thác cát trái phép còn ném cả chất bẩn vào nhà dân để “dằn mặt” khi bị quay phim, chụp ảnh.

Tàu hút cát trái phép trên sông Chu

Ném chất bẩn dằn mặt người tố cáo

Sông Chu chảy qua địa bàn huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, khoảng chục năm nay chưa lúc nào được yên bình trước nạn khai thác cát trái phép. Những cánh đồng ngô, lạc xanh mướt dọc con con sông này dần dần biến mất trước nạn cát tặc hoành hành.

Không chỉ liều lĩnh ăn cắp tài nguyên gây sạt lở đồng ruộng của người dân, đội quân cát tặc trên sông Chu còn ngang ngược, coi thường pháp luật khi sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng, người dân khi bị xua đuổi, tố cáo.

Cát tặc ngang nhiên lộng hành, dằn mặt người tố cáo, chính quyền bó tay! - 1

Ngay sau buổi quay phim, chụp ảnh cát tặc bằng điện thoại, nhà ông Vinh bị kẻ lạ mặt ném chất bẩn vào nhà.

Mặc dù đã xảy ra khoảng 1 tháng qua nhưng mỗi khi nhắc lại, ông Quản Hữu Vinh (trú thôn Quản Xá, xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa) vẫn chưa hết lo lắng khi gia đình ông bị những kẻ lạ mặt nửa đêm ném chất bẩn vào nhà. Sự việc bắt đầu khi ông Vinh thấy một nhóm tàu hút cát trái phép đang cắm vòi vào sát đê hữu sông Chu để moi móc tài nguyên nên ông đã cầm điện thoại quay phim chụp ảnh.

Ngay tối hôm đó, khi gia đình ông đang ngủ thì nghe tiếng xe máy rồ ga trước nhà, nhóm thanh niên lạ mặt đứng chửi bới, dọa dẫm rồi ném chất bẩn vào nhà ông. Sự việc khiến gia đình ông Vinh rất hoang mang, lo lắng.

“Sau khi sự việc xảy ra, gia đình tôi đã báo chính quyền địa phương và công an xã, huyện đã về lập biên bản, lấy lời khai của gia đình. Thế nhưng khi công an lấy lời khai ban ngày thì ngay tối hôm đó, bọn chúng lại tiếp tục kéo tới ném chất bẩn vào nhà tôi. Đến nay, những đối tượng trên vẫn chưa được làm rõ”- ông Vinh nói.

Cát tặc ngang nhiên lộng hành, dằn mặt người tố cáo, chính quyền bó tay! - 2

Việc kẻ xấu ném chất bẩn vào nhà ông Vinh diễn ra nhiều  lần. 

Theo tìm hiểu, nạn cát tặc hoành hành trên sông Chu đã diễn ra nhiều năm qua, dọc các xã Thiệu Duy, Thiệu Hợp, Thiệu Thịnh, Thiệu Nguyên... Người dân cũng như lực lượng chức năng nơi đây đã dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn như lập chòi canh, cắt cử lực lượng canh gác, tuần tra... thế nhưng vẫn không thể ngăn được vấn nạn này.

“Các đối tượng khai thác cát trái phép thường hoạt động vào ban đêm, lợi dụng lúc người dân đi ngủ và lực lượng chức năng mỏng. Thậm chí, nhiều mỏ cát được cấp phép khi đêm xuống vẫn cho tàu hút ra ngoài phạm vi, sát chân đê và bãi bồi của người dân. Cả xã có khoảng 7 ha đất bãi bồi nhưng 2 năm nay khoảng hơn 1 ha đã bị kéo hết xuống sông, năm nào họp HĐND chúng tôi cũng kêu nhưng không thấu”- một người dân xã Thiệu Hợp cho hay.

Không thể giải quyết triệt để nạn cát tặc?

Ông Quản Trọng Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Hợp cho biết, việc gia đình ông Vinh liên tục bị kẻ xấu ném chất bẩn vào nhà là đúng sự thật. “Đến nay, gia đình ông Vinh đã 3-4 lần bị kẻ xấu ném chất bẩn vào nhà, gần đây nhất là ngày 20/9. Lần nào chúng tôi cũng tới ghi nhận hiện trường, báo cáo công an huyện về điều tra, làm rõ nhưng đến giờ vẫn chưa bắt được ai cả. Địa phương cũng mong muốn sớm bắt được nhóm trên cho ổn định tình hình”- ông Liên nói.

Cát tặc ngang nhiên lộng hành, dằn mặt người tố cáo, chính quyền bó tay! - 3

Tàu hút cát trái phép ngang nhiên diễn ra giữa ban ngày.

Cũng theo ông Liên, địa phương thường xuyên cắt cử lực lượng để bảo vệ bờ bãi của dân, ngăn cát tặc tuy nhiên rất khó khăn do lực lượng mỏng, không chuyên trách, kinh phí chi cho hoạt động tuần tra, bảo vệ hạn hẹp. Trong khi đó cát tặc hoạt động rất tinh vi và thường vào ban đêm.

“Chúng có “tai mắt” ở khắp nơi, nếu chính quyền có động tĩnh là chúng nhanh chóng cho thuyền ra khỏi vị trí khai thác trái phép, hoặc chạy vào các mỏ được cấp phép để trốn. Thậm chí, khi bắt được tàu cát nếu trữ lượng dưới 6 m3 thì không đủ cơ sở để xử phạt”- ông Liên nêu thực trạng.

Về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết, để giải quyết triệt để nạn cát tặc là không thể do toàn huyện có tới 17 xã có sông. Huyện cũng rất quyết liệt nhưng không thể làm thay các xã trong công tác quản lý, giám sát được mà tự các xã phải có phương án để ngăn ngừa.

“Năm 2018 huyện đã chi vài tỉ đồng để hỗ trợ mua tàu thuyền ca nô, lập chòi canh, cấp kinh phí hỗ trợ cho các xã. Tuy nhiên, năm nay kinh phí rất hạn hẹp nên không thể cấp cho các xã”- ông Phúc nói.

Xử lý 20 trường hợp khai thác cát trái phép

Theo báo cáo của UBND huyện Thiệu Hóa hiện trên địa bàn có 3 mỏ khai thác cát được cấp phép trên sông Chu. Từ đầu năm 2019 đến thời điểm này, địa phương đã lập biên bản, xử lý khoảng 20 trường hợp hút cát trái phép trên sông Chu.

Bình Minh