Cắt ghép video bịa đặt lãnh đạo TPHCM nói “có 1.000 người chết vì Covid"

(Dân trí) - Nội dung video phỏng vấn lãnh đạo thành phố với thông tin có 1.000 người tử vong vì dịch Covid-19 đã bị cắt ghép đăng tải trên mạng xã hội nhằm mục đích phá hoại, gây hoang mang dư luận.

Những ngày qua, trên mạng xã hội Youtube phát tán một video về việc ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố phát biểu: “Từ sáng tới giờ có tổng cộng hơn 43.000 ca, trong đó có hơn 100 ca tử vong, nâng số tử vong là hơn 1.000 ca”.

Nội dung sai lệch trên đã lan truyền rất nhanh với nhiều bình luận tiêu cực. Nhiều tài khoản mạng xã hội không chỉ chia sẻ mà còn “gắn” thêm Công văn 2285 của Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố (đã bị thu hồi) liên quan đến việc hỏa táng và cho rằng thành phố đang cố tình "ém dịch, giấu dịch".

Cắt ghép video bịa đặt lãnh đạo TPHCM nói “có 1.000 người chết vì Covid - 1

Thông tin TPHCM có 1.000 ca tử vong là hoàn toàn bịa đặt từ nội dung bị cắt ghép trong video phỏng vấn lãnh đạo thành phố.

Qua kiểm tra, xác minh của Phòng Báo chí và Xuất bản - Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, đoạn video này đã bị thế lực xấu lợi dụng cắt ghép với dụng ý xuyên tạc từ video của một cơ quan báo chí khi phỏng vấn ông Lê Thanh Liêm trong dịp đến kiểm tra công tác điều trị bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi ngày 11/2.

Theo đó, nội dung video gốc trong đoạn phỏng vấn được thu thập phục vụ điều tra, ông Lê Thanh Liêm đã cập nhật số liệu về tình trạng lây nhiễm Covid-19 và số người tử vong trên thế giới tại thời điểm ngày 11/2. Cơ quan chức năng khẳng định Việt Nam chưa có ca bệnh nào tử vong vì dịch Covid-19, video có nội dung lãnh đạo thành phố phát biểu đã bị cắt ghép. Hiện lực lượng công an đang điều tra các tài khoản có biểu hiện lan truyền video trên với ý đồ xấu để xử lý triệt để.

Cắt ghép video bịa đặt lãnh đạo TPHCM nói “có 1.000 người chết vì Covid - 2
Thành quả chống dịch vượt trội của Việt Nam đang bị các thế lực thù địch phá hoại

Trước thông tin thành phố giấu tình hình dịch bệnh dẫn đến có người chết phải huy động các đơn vị hỏa táng vào cuộc, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Trung tâm Báo chí TP, khẳng định: “Thành phố luôn chủ động công bố tình hình các ca nhiễm cũng như các giải pháp phòng chống dịch. Thành phố sẽ công khai việc xem xét, xử lý cá nhân có sai sót liên quan đến văn bản gây hoang mang dư luận".

Đại diện Sở Thông tin - Truyền thông khuyến cáo, người dân cần phải cảnh giác, chọn lọc thông tin; không nên chia sẻ, bình luận và quan tâm đến những thông tin chưa được xác thực, thiếu cơ sở; đồng thời, nên tiếp nhận thông tin thông qua các trang chính thống, có uy tín để tránh những hậu quả đáng tiếc do sự thiếu hiểu biết, bị các đối tượng xấu lợi dụng.

Trong trường hợp phát hiện có người tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, người dân cần thông báo ngay với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nơi xảy ra vụ việc để có biện pháp xử lý kịp thời.

Người phụ nữ Hà Nội tung tin có 4 ca mắc Covid-19 ở cạnh nhà

Ngày 30/3, Công an quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, đơn vị này đã ra quyết định xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với chị D.T.T.C. (trú tại tổ 30, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) về hành vi tung tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Cắt ghép video bịa đặt lãnh đạo TPHCM nói “có 1.000 người chết vì Covid - 3
Công an quận Long Biên làm việc với người phụ nữ tung tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Trước đó, ngày 25/3, chị C. đăng tải thông tin trên trang facebook cá nhân với nội dung: “Cách nhà em 70 mét, 4 trường hợp F0 luôn. Đừng ai qua tổ 30, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên lúc này ạ. Tính mạng ngàn cân treo sợi tóc quá.”.

Dòng trạng thái trên của chị C. thu hút nhiều lượt thích, bình luận, chia sẻ, gây hoang mang dư luận.

Qua xác minh, Công an quận Long Biên xác định, thông tin trên là sai sự thật. Cơ quan công an đã mời chị C. đến trụ sở để làm rõ.

Tại cơ quan công an, chị C. thừa nhận đã đăng tin sai sự thật và nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình, đồng thời gỡ bỏ bài viết, cam kết không tái phạm.

Công an quận Long Biên đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với chị C. với mức phạt là 10 triệu đồng theo quy định.

Đăng tin "TPHCM bị phong toả 14 ngày" để câu like

Sáng 30/3, Công an quận Tân Phú (TPHCM) ra quyết định xử phạt hành chính đối với N.V.Đ (sinh năm 2002) về hành vi đăng tải bài viết có nội dung “TPHCM bị phong toả từ ngày 28/3...” vào ngày 26/3 trên trang facebook cá nhân.

Cắt ghép video bịa đặt lãnh đạo TPHCM nói “có 1.000 người chết vì Covid - 4
Công an quận Tân Phú đọc quyết định xử phạt hành chính đối với N.V.Đ. vào sáng 30/3

Qua làm việc, Đ. khai bản thân lái xe cho một công ty đóng trên địa bàn phường Hiệp Tân (quận Tân Phú) và thừa nhận việc đăng tải thông tin sai sự thật trên là do lấy hình ảnh trên mạng, đăng bài chủ yếu để “cảnh báo” người dân, câu like chứ không nhằm mục đích nào khác.

Đại diện Công an quận Tân Phú cho biết việc xử phạt trường hợp N.V.Đ. căn cứ vào quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP, ngày 13/11/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính sự trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần vô tuyến điện. Kể từ khi có quyết định, nếu người vi phạm không tiến hành nộp phạt trong vòng 10 ngày thì sẽ bị cưỡng chế. 

Cắt ghép video bịa đặt lãnh đạo TPHCM nói “có 1.000 người chết vì Covid - 5

Thông tin TPHCM bị phong toả 14 ngày lan truyền trên mạng xã hội vào sáng 26/3

Trước đó sáng 26/3, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin “Từ ngày 28/3, TPHCM sẽ bị phong tỏa do dịch COVID-19” gây tâm lý hoang mang trong dư luận.

Trong ngày, UBND TPHCM khẳng định, thông tin lan truyền trên là hoàn toàn bịa đặt và giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công an TPHCM xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lan truyền thông tin không kiểm chứng, sai sự thật, ảnh hưởng đến công tác điều hành phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố.

Chiều cùng ngày, Sở Thông tin Truyền thông TPHCM đã xác định được 18 tài khoản loan tin sai sự thật về việc TPHCM sẽ phong tỏa vào ngày 28/3, trong đó có 5 tài khoản tại thành phố.

Để trấn an dư luận, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đã gửi tin nhắn tới 12 triệu thuê bao trên địa bàn và 8 triệu tài khoản Zalo, bác bỏ thông tin phong tỏa toàn TPHCM. 

 

Vân Sơn - Tiến Nguyên - Hoàng Thuận