1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Cáp treo Vinpearl có ảnh hưởng đến sự đi lại của tàu thuyền?

(Dân trí) - Ngày 10/3, tại Nha Trang sẽ diễn ra lễ khánh thành tuyến cáp treo trên biển có thể nói là dài nhất thế giới. Và trong mấy ngày qua, dư luận quan tâm đến thông tin: việc có tuyến cáp treo này sẽ ảnh hưởng đến sự ra vào của tàu trọng tải lớn cập vào cảng Nha Trang và dường như tuyến cáp treo làm ảnh hưởng đến “nguồn thu từ du lịch” mà Nha Trang vốn vẫn đang được hưởng. Vậy sự thật như thế nào?

Sự thật về “sự cố” tàu Aurora

Xuất phát điểm từ thông tin ngày 4/3, đại diện tàu quốc tế du lịch biển Aurora (Anh) - thông qua đại lý Hàng hải Nha Trang (Vosa Nha Trang) cho biết: Theo hợp đồng đã được ký, vào lúc 9 giờ ngày 12/3, tàu Aurora sẽ đưa tổng số khách du lịch và thủy thủ đoàn là 2.619 người sẽ từ Singapore cập cảng Nha Trang. Tuy nhiên, Cảng vụ Nha Trang đã thông báo chỉ cho phép 2 tàu biển khác có chiều cao tĩnh không thấp hơn 49m được cập cảng Nha Trang, còn tàu Aurora thì phải neo đậu ngoài cảng và dùng các tàu thuyền nhỏ đưa khách lên bờ.

Sự việc thực ra không có gì là “có vấn đề” này bỗng được một tờ báo đẩy lên thành có vấn đề với một nguyên nhân là do độ cao của cáp treo Vinpearl đã không đảm bảo độ cao kỹ thuật (căng trên tuyến biển nơi tàu thuyển ra vào Cảng Nha Trang).

Vậy thực tế có phải như vậy không? Trả lời báo chí, đại diện của Cảng vụ Nha Trang, ông Đặng Nguyễn Minh Trung cho biết: Tàu Aurora có chiều dài đến 270m, trọng tải 76.000 tấn không thể cập Cảng Nha Trang được, vì theo thông số kỹ thuật thì Cảng Nha Trang chỉ có thể đón các loại tàu loại vừa (tàu khách trọng tải 30.000 tấn và tàu vận tải 20.000 tấn) cập cảng được mà thôi.

Vì thế tờ báo trên đưa ra thông tin “Cáp treo Vinpearl ảnh hưởng đến sự cập cảng của tàu Aurora” là hoàn toàn không chính xác, bởi nếu không có tuyến cáp treo này thì Cảng vụ Nha Trang cũng không cho phép tàu có trọng tải vượt quá 30.000 tấn cập cảng. Không những thế, Aurora còn vượt trọng tải đến gấp hơn 2 lần trọng tải cho phép.

Độ cao của cáp treo Vinpearl phải chăng là tuỳ ý?

Cáp treo Vinpearl có ảnh hưởng đến sự đi lại của tàu thuyền?  - 1
Hệ thống cáp treo Vinpearl nhìn từ trên máy bay. (Ảnh: Minh Nguyệt). 

Theo ông Đặng Thanh Thuỷ, đại diện của Công ty Cổ phần Du lịch & Thương mại Vinpearl (gọi tắt là Công ty Vinpearl), chủ đầu tư của công trình cáp treo Vinpearl thì để xây dựng tuyến cáp treo này, Công ty đã phải thực hiện nghiêm túc các quy định của các cơ quan chức năng. Chỉ khi có đầy đủ các thông số kỹ thuật về xây dựng cọc móng dưới biển, an toàn khi vận hành cáp treo trên biển ngay cả trong khi có bão to, sóng cao, cũng như các văn bản cho phép của UBND tỉnh Khánh Hoà, Bộ Giao thông - Vận tải, công ty mới bắt đầu tiến hành công việc xây dựng.

Chúng tôi cũng đã đặt câu hỏi này với ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty Vinpearl là vì sao đã tốn hàng trăm tỉ đồng để xây dựng tuyến cáp treo này, sao không tốn thêm một chút nữa để đẩy cao độ lên khoảng 60m, tránh những phức tạp không đáng có? Ông Hiệp khẳng định: Làm sao chúng tôi dám tự tiện đẩy cao độ lên hay hạ cao độ của cáp treo xuống được. Các thông số này là phải do các cơ quan chức năng cho phép chứ không thể tự ý nâng hay hạ được.

Những cáp treo đã từng xây dựng ở Việt Nam như cáp treo Chùa Hương, Yên Tử, Núi Bà Đen…hầu như cái nào khi xây dựng cũng gặp chuyện rắc rối.

 

Cáp treo Yên Tử và Chùa Hương còn gặp nhiều trở ngại hơn rất nhiều với ý kiến đây là những chốn linh thiêng, thiền tịnh, chỉ để dành cho khách vãn cảnh trong không gian yên tĩnh, không thể xây dựng cáp treo được.

 

Tuy nhiên đến nay, có thể nói 2 cáp treo này đã khẳng định được sự cần thiết khi nhu cầu sử dụng dịch vụ này của người dân ngày càng nhiều.

Để có thể có được cao độ tối đa, ngày 3/9/2004, Công ty Vinpearl đã có văn bản số 177 xin phép Bộ Quốc phòng thoả thuận cho phép độ cao tối đa của điểm cao nhất của tuyến cáp treo là 70m. Tuy nhiên căn cứ trên yêu cầu đảm bảo các tuyến bay quân sự của vùng biển này, nên Bộ Quốc phòng sau khi xem xét, nghiên cứu đã có văn bản số 2289 ngày 13/5/2005 cho phép độ cao cao nhất của tuyến cáp treo này qua cảng (kể cả ăng ten chống sét của các cột) là 64m. Ông Lê Khắc Hiệp khẳng định: Ở cột có độ cao cao nhất cộng thêm chiều cao của cột thu lôi chống sét lắp phía trên thì độ cao của cột này cũng chỉ được phép là 64m (trên thực tế cột này cũng có độ cao 64m).

Yên tâm với thông báo về cao độ của Bộ Quốc phòng, Công ty Vinpearl tiếp tục gửi văn bản xin phép Cục Hàng Hải và Bộ Giao thông - Vận tải về việc cho phép độ cao tĩnh không (độ cao từ mặt nước đến điểm thấp nhất của dây cáp treo) là 50m.

Ngày 17/11/2005, Cục Hàng hải có công văn số 1685 gửi Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo thì Cảng Nha Trang chỉ có quy mô cho tầu hàng trọng tải 20.000 DWT và tầu khách là 30.000 DWT ra vào. Độ cao tĩnh không theo yêu cầu phải là 53,54m (175 feet) kể từ mực nước.

Ngày 27/12/2005, Bộ Giao thông - Vận tải đã có Công văn số 8248 do Thứ trưởng Trần Doãn Thọ ký gửi UBND tỉnh Khánh Hoà trả lời về việc này như sau: Thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hoà thoả thuận về độ cao tĩnh không tuyến cáp treo tính từ đáy cabin đến mức nước 0-0 hải đồ như sau: - Trong điều kiện bình thường độ cao tối thiểu đạt 45 m. Khi có tầu lớn ra vào cảng, độ cao tối thiểu đạt 54 m.

Như vậy, nhà đầu tư khi xây dựng cao độ của cáp treo đã căn cứ vào văn bản cho phép của UBND tỉnh Khánh Hoà và của Bộ Giao thông - Vận tải chứ hoàn toàn không tự ý nâng lên hay hạ xuống.

Cáp treo có ảnh hưởng đến nguồn thu du lịch của Nha Trang?

Cũng một nhận định hết sức chủ quan trên tờ báo này cho rằng, do việc xây dựng cáp treo Vinpearl nên Nha Trang có thể sẽ bị thất thu lớn từ du lịch. Nhãn tiền là nhiều tầu lớn sẽ không thể vào cảng Nha Trang cũng như mỗi năm vì điều này Nha Trang sẽ mất từ 15.000 - 16.000 khách du lịch.

Quả thật dưới góc độ của những người làm du lịch chẳng ai lại quy kết như vậy cả. Vấn đề du lịch phải là một câu chuyện dài, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như môi trường du lịch, cảnh quan thiên nhiên, chất lượng dịch vụ của cả khu vực và của cả một quốc gia… chứ không thể chỉ phụ thuộc vào 1 cái cáp treo.

Chưa có một báo cáo nào của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hoà hay của các công ty du lịch về cái gọi là “ảnh hưởng của cáp treo Vinpearl đến du lịch”. Ngược lại, cáp treo Vinpearl và nhiều khu du lịch đang được xây dựng ở Khánh Hoà đang góp phần đưa du lịch ở đây lên một tầm cao mới. Chắc chắn điều này, lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà và các cơ quan chức năng khác phải biết.

Nhà đầu tư khi đầu tư vào khu du lịch Hòn Tre với biết bao tâm huyết và vốn đầu tư không bao giờ mong muốn khách du lịch lại đến Nha Trang giảm để kéo theo đó là nguồn thu từ chính các hoạt động du lịch của mình cũng bị giảm theo.

Phan Nguyên

Dòng sự kiện: Cáp treo Vinpearl Land

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm