An Giang:
Cặp rắn "khủng" đúng là rắn hổ mang chúa cực độc
(Dân trí) - Sau khi ngành chức năng có buổi làm việc chính thức với đơn vị đang nuôi giữ hai con rắn "khủng" tại Khu di tích lịch sử đồi Tức Dụp, ngành chức năng tỉnh An Giang khẳng định, hai con rắn này đích thực là rắn hổ mây cực độc.
Sáng ngày 16/5, trao đổi với PV Dân trí, ông Lý Kim Định - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang), cho biết, hôm qua ông cùng đoàn công tác Chi cục Kiểm lâm tỉnh và cảnh sát môi trường có đến đơn vị đang nuôi giữ hai cá thể rắn mà báo chí thông tin là rắn hổ mây. Qua buổi làm việc và xác định, đoàn thống nhất cặp rắn đúng là rắn hổ mây hay còn gọi là hổ mang chúa.
Tuy nhiên, ông Định cho biết, trọng lượng mỗi con ước khoảng 18kg, chiều dài khoảng 4m; chứ không phải thông tin "khủng" như báo chí đã nêu trước đó.
Cũng theo ông Định cho biết, qua buổi làm việc, đơn vị nuôi giữ cặp rắn hổ mây cho biết được Tập đoàn Sao Mai (công ty mẹ) giao nuôi giữ cặp rắn chứ không biết xuất xứ, nguồn gốc cặp rắn này.
Sau đó, đoàn công tác đến đơn vị thi công Nhà máy năng lượng mặt trời (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) tiếp xúc lãnh đạo công ty và công nhân chứng kiến việc bắt cặp rắn.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Phú Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, cho biết đang làm báo cáo gửi UBND tỉnh này để xem xét xử lý sự việc. Khi nào có kết quả từ UBND tỉnh, đơn vị sẽ cung cấp thêm cho báo chí.
Tạm thời để doanh nghiệp tiếp tục nuôi cặp rắn.
Hiện tại, ngành chức năng tạm thời để doanh nghiệp tiếp tục nuôi cặp rắn tại đồi Tức Dụp. Đơn vị yêu cầu đơn vị này tăng cường công tác giám sát chuồng trại, làm thêm lưới, nhằm đảm bảo cặp rắn không thoát ra ngoài.