1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cấp phép cho bãi chôn lấp 1.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày ở TPHCM

Thế Kha

(Dân trí) - Bãi chôn lấp số 3, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi, TPHCM) với công suất xử lý tối đa 1.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày vừa được cấp giấy phép môi trường.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân vừa ký quyết định cấp giấy phép môi trường cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM (trụ sở tại phường Tân Định, quận 1, TPHCM) được thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường của cơ sở Bãi chôn lấp số 3, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TPHCM) với tổng diện tích 21,6ha.

Theo giấy phép, công suất tiếp nhận, xử lý tối đa của bãi chôn lấp đạt 1.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày. Tổng công suất tiếp nhận, xử lý 6.474.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt.

Cấp phép cho bãi chôn lấp 1.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày ở TPHCM - 1

Sau 20 năm, lượng rác trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc đã chất thành núi (Ảnh: Hải Long).

Quy trình chôn lấp được thực hiện như sau: Chất thải rắn (chất trơ sau phân loại, xử lý sơ bộ) → Đổ tại các ô chôn lấp của Bãi chôn lấp số 3 → San gạt → Đầm nén → Phủ lớp đất trung gian (hoặc vật liệu khác tương đương) sau mỗi ngày chôn lấp.

Quy trình này được thực hiện cho đến khi hết công suất tiếp nhận, xử lý của Bãi chôn lấp số 3 (hoặc không tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt, đóng cửa bãi chôn lấp theo quy định).

Sau khi kết thúc tiếp nhận, chôn lấp chất thải rắn tại đây, doanh nghiệp phải tiến hành đóng bãi chôn lấp, trồng cỏ, cây xanh và các biện pháp khác theo quy định.

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM có trách nhiệm xử lý chất thải bảo đảm chất thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; chịu trách nhiệm trước pháp luật khi chất ô nhiễm, tiếng ồn, độ rung không đạt yêu cầu cho phép.

"Báo cáo kịp thời về cơ quan cấp giấy phép môi trường, cơ quan chức năng ở địa phương nếu xảy ra các sự cố đối với các công trình xử lý chất thải, sự cố khác dẫn đến ô nhiễm môi trường", giấy phép môi trường nêu rõ.

Nước rỉ rác phát sinh từ các ô chôn lấp của Bãi chôn lấp số 3 sẽ được thu gom bằng hệ thống đường ống ngầm dưới mỗi ô chôn lấp dẫn về 2 hồ chứa nước rỉ rác (dung tích 102.400m3/hồ), sau đó được bơm về Nhà máy xử lý nước rỉ rác Cựu Chiến Binh công suất 400m3/ngày đêm để xử lý.

Cấp phép cho bãi chôn lấp 1.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày ở TPHCM - 2

Khung cảnh "núi rác" bên trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc được phóng viên Dân trí ghi nhận vào tháng 7/2023 (Ảnh: Hải Long).

Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM tổ chức kiểm tra việc thực hiện nội dung cấp phép, yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở chôn lấp rác này.

Định kỳ hàng năm, doanh nghiệp phải thực hiện kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng thiết bị, máy móc của hệ thống xử lý nước thải, hệ thống thu gom và thoát nước thải, dự phòng các thiết bị thay thế.

Thời hạn của giấy phép môi trường nêu trên là 7 năm.

"Điểm nóng" ô nhiễm môi trường ở TPHCM

Vào tháng 7-8/2023, báo Dân trí đăng tải loạt bài viết về thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi, TPHCM.

Trong lịch trình của 10.000 tấn rác phát sinh tại TPHCM mỗi ngày, khoảng 3.200 tấn sẽ lên các chuyến xe về Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc. Tại đây, các loại chất thải được phân loại và xử lý bằng cách chôn lấp, ủ phân, đốt truyền thống.

Theo chính quyền huyện Củ Chi, kể từ khi Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc đi vào hoạt động (năm 2003), những bức xúc về vấn đề môi trường được người dân phản ánh thường xuyên và chưa được giải quyết triệt để. Phía bên trong, những nhà máy xử lý rác theo công nghệ mới vẫn nằm im dù khởi công từ năm 2019, còn phía ngoài, hàng rào cây xanh cách ly còn chưa định ngày mọc lên.

Công nghệ xử lý rác tại đây đã bộc lộ những điểm yếu. Dự kiến, đến năm 2025, nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên của TPHCM mới đi vào vận hành, và một năm sau đó, hàng cây xanh cách ly tại Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc mới có thể trồng xong.