Kon Tum:
Cấp gần 900 con heo giống cho dân nghèo, chỉ 145 con... còn sống
(Dân trí) - Huyện Kon Plông (Kon Tum) đã thực hiện dự án cấp gần 900 con heo giống cho 337 hộ nghèo trên địa bàn. Sau nhiều tháng nuôi, còn khoảng 145 con heo còn sống.
Vừa qua, Thanh tra tỉnh Kon Tum đã có kết luận về việc thanh tra Dự án phát triển nuôi heo địa phương trên địa bàn huyện Kon Plông thuộc Chương trình 135 và 30a năm 2020.
Dự án hỗ trợ phát triển heo địa phương năm 2020 có nguồn vốn từ chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững (Chương trình 135 và 30a) do UBND các xã Đăk Nên, Đăk Ring, Ngọc Tem và thị trấn Măng Đen làm chủ đầu tư.
Quá trình thực hiện dự án, các xã, thị trấn đã hợp đồng với Trung tâm Nông nghiệp dịch vụ huyện Kon Plông để cung ứng heo giống với số lượng 905 con, tổng giá trị trên 3,25 tỷ đổng. Số heo này đã được cấp phát đến 337 hộ nghèo tại các xã, thị trấn nói trên để chăn nuôi.
Việc triển khai dự án nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2020. Ngoài ra, dự án cũng được kỳ vọng sẽ phát triển bền vững mô hình nuôi heo địa phương, tạo nguồn thu nhập cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, người dân nhận heo về nuôi mấy tháng đã có hiện tượng chết hàng loạt. Ngay khi nắm được sự việc, Thanh tra tỉnh Kon Tum đã tiến hành thanh tra dự án tại huyện Kon Plông.
Kết luận số 02 của Thanh tra tỉnh Kon Tum cho thấy, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến các dự án trên.
Cụ thể, tại thời điểm thanh tra dự án, số heo chết lên đến 690 con, 37 con đã bán và làm thịt, số heo còn sống chỉ còn 145 con (đạt khoảng 17%). Đặc biệt tại xã Đăk Ring, số heo hỗ trợ bị chết 142 con, chỉ còn 2 con sống. Heo bắt đầu chết sau một tháng nuôi, sau đó chết dần.
Trước khi thực hiện dự án, việc triển khai lấy ý kiến nhân dân của chính quyền địa phương để thực hiện dự án chưa đúng quy định, nhiều đơn xin tham gia dự án và đơn cam kết chưa nêu cụ thể về điều kiện chăn nuôi của các hộ dân. Một số dự án xây dựng định mức hỗ trợ chưa phù hợp. Điển hình như xã Đăk Ring, diện tích chuồng có mái che là 4 m2/con, tuy nhiên đơn vị chỉ hỗ trợ 2 m2/con.
Về nguồn gốc giống heo, chủ đầu tư dự án (UBND các xã, thị trấn) ký hợp đồng với Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Kon Plông để cung cấp giống. Sau đó, Trung tâm này lại ký với một hộ dân khác để thu gom heo giống từ nhiều nguồn khác nhau.
Theo đó, giống heo được thu mua từ khắp trên địa bàn tỉnh Kon Tum mà không có nguồn gốc rõ ràng. Nhiều con heo giống chưa được tiêm phòng đầy đủ, số được tiêm lại không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, số lô, hạn dùng vắc xin.
Sau khi nhận giống, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Kon Plông đã thực hiện chăm sóc một tháng trước khi bàn giao cho người dân. Trong thời gian chăm sóc tại Trung tâm này, đã có 60 con heo giống bị chết. Tuy nhiên, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Kon Plông chưa xác định được nguyên nhân heo giống chết hàng loạt mà vẫn bàn giao cho dân.
Ngoài ra, một số xã không thực hiện việc báo cáo tình hình dịch bệnh trên đàn heo về Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Do đó, các cơ quan chuyên môn không nắm bắt được tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi để hướng dẫn các giải pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp và giải quyết tình trạng heo chết.
Trước các sai phạm trên, Thanh tra tỉnh đề nghị UBND huyện chỉ đạo tổ chức họp kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân liên quan. Trong đó có Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện (là đơn vị trúng thầu cung ứng giống cho dự án) cung cấp giống không rõ xuất xứ, nguồn gốc...
Thanh tra tỉnh Kon Tum kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Kon Plông tạm thời ngừng triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ giống heo trên địa bàn khi chưa khắc phục được các tồn tại nêu trên.