1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cấp dưới hư hỏng, cấp trên nên từ chức!

Đó là điều mà ông Vũ Quốc Hùng - ủy viên Trung ương Đảng, thường trực Ban chỉ đạo Trung ương 6 - luôn nhấn mạnh khi trao đổi về những vấn đề liên quan đến tham nhũng, tiêu cực ở PMU18.

Qua hàng loạt vụ việc tiêu cực, tham nhũng lớn gần đây, đặc biệt là vụ PMU 18, ông nhìn nhận như thế nào về thực trạng này?

Nếu nói về tổ chức thì do cơ chế pháp luật lỏng lẻo, chưa qui định chặt chẽ. Pháp luật cần phải có những hành lang pháp lý qui định người ta phải hành động như thế nào; tự giác hay không tự giác cũng phải làm theo hành lang pháp lý đó. Cho nên nhà nước pháp quyền phải xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ. Đó là điểm thứ nhất.

Thứ hai, làm thế nào để mỗi đảng viên - nhất là đảng viên có chức có quyền - khi hành động thì mọi hành động của người đó phải được giám sát. Tôi có dùng từ tê liệt để chỉ hoạt động Đảng ở PMU18 và những nơi có diễn biến tương tự. Tổ chức Đảng ở PMU18 không giám sát được việc làm của đảng viên, để cho Bùi Tiến Dũng và một số đối tượng khác trượt dài trên con đường tội lỗi, rõ ràng là tổ chức Đảng này đã tê liệt.

Điều lệ Đảng đã qui định cũng khá cụ thể; những điều đảng viên không được làm; pháp lệnh công chức, viên chức; rồi pháp luật dân sự, hình sự, hành chính... đều có hết nhưng thật sự là chưa cụ thể lắm. Chẳng hạn người ta đặt câu hỏi: các PMU hoạt động theo cơ chế nào thì bây giờ các nhà quản lý mới vào cuộc lý giải.

Tại sao PMU18? 18 là cái gì? Có bao nhiêu PMU? PMU18, tức là người ta lập ra một ban quản lý con đường 18, thế nhưng tại sao giờ đây nó trở thành “siêu ban” như thế này? Rất nhiều vấn đề.

Tiêu cực, tham nhũng đang là một thực trạng nhức nhối, thậm chí đe dọa cả sự tồn vong của chế độ ta. Nhức nhối vì nó tồn tại ở khắp nơi và diễn biến phức tạp, trầm trọng.

Thưa ông, những con người như Bùi Tiến Dũng trong vụ PMU18 không phải là hiếm, điều đáng nói là họ thoái hóa rất nhanh trên con đường quyền lực...

Sự suy thoái của một con người đều bắt đầu từ việc không tự rèn luyện; không đủ lý trí, ý chí, bản lĩnh để chiến thắng những ham muốn của mình. Phải rèn luyện. Còn tổ chức phải biết nhìn người và giám sát, cảnh báo để những người có dấu hiệu vi phạm được ngăn chặn, cứu được đồng chí của mình.

Bác Hồ thường nhấn mạnh vấn đề phê bình và tự phê bình. Đấy là quá trình không ngừng tự hoàn thiện mình. Nhưng hiện nay, một bộ phận trong Đảng khi tự phê bình thì không thành thật; còn phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, sợ trả thù, nhất là phê bình cấp trên. Quần chúng phê bình đảng viên thì sợ đảng viên; đảng viên phê bình cấp ủy thì sợ cấp ủy; cấp dưới không dám phê bình cấp trên...

Tất cả đều nói sau lưng, thích ném đá giấu tay. Và như thế thì xã hội không lành mạnh. Những hiện tượng như thế diễn ra khá nhiều nơi. Những tổ chức đảng và những đảng viên không dám chiến đấu là những người hèn; những kẻ trả thù đồng chí, đồng đội dám nói thẳng thì lại càng hèn. Tất cả những biểu hiện và thực trạng đó đều đáng lên án.

Thưa ông, qua vụ tiêu cực ở PMU18 - và rất nhiều vụ tiêu cực lớn khác nữa - lãnh đạo cấp trên thường vẫn im lặng và không ai từ chức khi cấp dưới vi phạm...

Tôi hoàn toàn ủng hộ bất kỳ ai khi thấy mình không đảm đương nổi vị trí nào đó hoặc để cấp dưới hư hỏng thì nên từ chức, không cần phải chờ tổ chức đảng lên tiếng yêu cầu. Tôi tin rằng tới đây những đảng viên nào thấy mình yếu thì cần tự giác xin từ chức. Bất kỳ ai khi có chức có quyền mà thấy mình không đảm đương được nhiệm vụ thì nên từ chức.

Thế nhưng với hình thức cán bộ được Đảng phân công thì liệu người ta có vin vào điều này để dùng dằng việc từ chức?

Đó không phải là lý do để dùng dằng. Người dũng cảm thấy trách nhiệm và có lòng tự trọng thì mới là công bộc của dân. Chứ còn không thấy yếu kém của mình, cứ luôn luôn bảo “tôi làm tốt lắm”, che giấu cái dốt, cái yếu, cái kém cỏi của mình thì người lãnh đạo đó không còn tư cách. Chính những người như thế còn làm giảm đi sức phấn đấu của tổ chức, giảm lòng tin trong nhân dân.

Như vậy, liệu có thể đặt việc từ chức thành một qui định không ?

Được chứ! Nhưng đặt ra cũng được, không đặt ra cũng dễ hiểu bởi vì điều này còn thuộc về ứng xử văn hóa, lòng tự trọng và sự liêm sỉ. Còn việc miễn nhiệm người này người kia, kể cả những người có trách nhiệm rất cao - ở cả cấp phó thủ tướng - cũng đã từng diễn ra. Đâu phải là chưa có tiền lệ.

Ở Bộ Giao thông - Vận tải đã xảy ra những sai phạm lớn tại PMU18; hàng loạt công trình hạ tầng kém chất lượng (mà điển hình là vụ cầu Văn Thánh 2, TPHCM); rồi vụ đổ tàu E1 làm nhiều người thiệt mạng... nhưng người đứng đầu không hề lên tiếng. Thậm chí trong những ngày này, khi báo chí tìm cách liên lạc thì ông bộ trưởng cũng thoái thác. Thưa ông, như vậy thì làm sao kêu gọi tự nguyện từ chức nếu không có những qui định ràng buộc hoặc cưỡng bức?

Đúng vậy, cần phải có những qui định về pháp luật chứ không thể nói chung chung được.

Theo Đặng Đại, Võ Hồng Quỳnh
Tuổi Trẻ