Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình: Chưa nghiệm thu vì chưa hoàn thiện
(Dân trí) - Tuy đã thông xe nhưng Dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình vẫn còn thiếu hạng mục tạo nhám mặt đường, vì thế Hội đồng nghiệp thu Nhà nước mới chỉ xác nhận chất lượng công trình cho khai thác tạm chứ chưa nghiệm thu Nhà nước toàn bộ dự án này.
Dự án mới chỉ tạo nhám được 2km trên tổng số 56km toàn tuyến, đó cũng là lí do Chủ đầu tư dự án này là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) mới chỉ tạm thanh toán chứ chưa quyết toán kinh phí xây dựng được. Để tạo nhám toàn tuyến đường cần tới hơn 200 tỷ đồng, trong khi đây là dự án đầu tư xây dựng bằng vốn trái phiếu công trình nên phải “gánh” lãi suất ngân hàng rất cao.
Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo VEC thừa nhận: "Chúng tôi chưa có tiền để hoàn thiện lớp nhám mặt đường và cũng chưa biết khi nào sẽ có tiền để làm, phải chờ huy động được nguồn vốn. Thực tế, trong tổng mức đầu tư 8.974 tỷ đồng thì VEC mới sử dụng hơn 7.000 tỷ đồng để xây dựng tuyến, vẫn còn thiếu hơn 1.000 tỷ đồng nữa thì dự án mới có thể xong hoàn toàn. Đây là giai đoạn 1 của dự án".
“Lớp nhám mặt đường có tác dụng tăng vận tốc cho phương tiện từ 100km hiện nay lên tốc độ tối đa là 120km theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Vì thiếu hạng mục nhám nên Hội đồng nghiệm thu Nhà nước chưa nghiệm thu nhưng đã xác nhận công trình đảm bảo chất lượng để thông xe và đưa vào khai thác tạm” - lãnh đạo VEC cho biết.
Cọc cát hay giếng cát?
Về giếng cát D400mm mà Kiểm toán Nhà nước cho rằng không đúng quy định và không phù hợp với thực tế, từ đó làm ảnh hưởng đến chi phí đầu tư, có hay không Tư vấn thiết kế dự án áp dụng sai định mức hạng mục giếng cát D400 mm để làm lợi?
Vấn đề định mức cọc cát hay giếng cát ở dự án đường cao tốc Cầu giẽ - Ninh bình cũng là vấn đề chung của tất cả các dự án giao thông, xây dựng và thủy lợi mà kiểm toán đã nêu ra nhưng chưa giải được quyết một cách cơ bản. Đơn cử như tại Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ, năm 2010, Thanh tra Bộ Xây dựng đưa ra kết luận Ban quản lý dự án I - Bộ Giao thông Vận tải đã vận dụng nhập nhèm định mức cọc cát, giếng cát để làm lợi cho nhà thầu 30 tỷ đồng, vấn đề này sau đó đã được giải trình cơ quan thanh tra của Bộ Xây Dựng là Bộ đã từng xây dựng, ban hành định mức và hiểu rõ bản chất thì mọi việc mới được chấp nhận.
Thực tế công tác xây dựng móng công trình ở nước ta có liên quan đến xử lý nền đất yếu bằng cọc cát hoặc giếng cát đều có cùng một công nghệ và trình tự thi công giống nhau, công trình giao thông hay công trình xây dựng dân dụng, thủy lợi, tất cả đều đang áp dụng một công nghệ đó; hệ thống định mức xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành cũng chỉ có một mã hiệu cho hạng mục này, được áp dụng từ năm 1998 đến nay.
Một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng công trình khẳng định: Xét về thuật ngữ thì có 2 cách gọi là giếng cát hoặc cọc cát, bởi thế đã tạo ra sự hiểu lầm đây là 2 công việc khác nhau, nhưng xét ở về góc độ kỹ thuật và mô tả công việc thì định mức “giếng cát” và “cọc cát” hoàn toàn giống nhau. Trong kết luận kiểm toán, đó thực chất là phần chênh lệnh về định mức giếng cát giữa kiểm toán nhà nước đưa ra và đơn giá hồ sơ đấu thầu.
Rõ ràng, kết quả kiểm toán Dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình một lần nữa phơi bày sự bất cập của hệ thống đơn giá, định mức - cơ sở xây dựng nên dự toán tại các dự án đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay và các cơ quan Nhà nước cần phải rà soát hệ thống định mức được xây dựng cách đây đã lâu, nhằm xây dựng và cập nhật bổ sung các định mức không còn phù hợp với tình hình công nghệ và thiết bị đã có những thay đổi trong nhiều năm qua.
Đường lún cũng nằm trong quy định
Liên quan đến vấn đề đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình mới đưa vào khai thác gần 2 năm đã bị lún ở một số vị trí, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông - Bộ Giao thông Vận tải, cho biết: Một số vị trí bị lún cục bộ là ở đầu cầu cống và đã được VEC bù lún bằng bê tông nhựa từ tháng 12/2013, đến nay đã đảm bảo êm thuận và an toàn giao thông, đồng thời tiếp tục theo dõi quan trắc để kịp thời xử lý đảm bảo an toàn.
Thực chất, việc thi công xây dựng đường cao tốc trên nền đất yếu, tuyến cao tốc đi qua vùng có địa chất yếu, có đoạn lớp bùn yếu (nền đường) dày tới hàng chục mét nên phải xử lý bằng giếng cát (cọc cát) và gia tải. Nếu áp vào Tiêu chuẩn thiết kế áo đường mềm TCN 211-06, trường hợp kết cấu áo đường trên đoạn nền đường qua vùng đất yếu có khả năng phát sinh độ lún lớn và kéo dài thì phải đảm bảo các yêu cầu thiết kế về độ lún cho phép, sau khi thi công xong kết cấu áo đường thì độ lún cố kết cho phép còn lại trong thời hạn 15 năm tính từ khi đưa kết cấu áo đường vào khai thác sử dụng tại tim đường.
Đường cao tốc các loại (tốc độ thiết kế từ 80 km/giờ trở lên) độ lún cho phép còn lại trong 15 năm tại tim đường sau khi thi công xong kết cấu áo đường ở vị trí đoạn nền đắp trên đất yếu là dưới 10 cm (đoạn gần mố cầu), dưới 20 cm (chỗ cố cống hoặc cống chui) và dưới 30 cm (các đoạn nền đắp thông thường), vì thế với thời gian gần 2 năm đưa vào khai thác thì một số vị trí đường cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình đi qua khu vực nền đất yếu đang lún trong giới hạn quy định.
Kiểm toán Nhà nước vừa có văn bản gửi Kho bạc Nhà nước bảng tổng hợp kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước từ kết quả kiểm toán dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1). Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Kho bạc Nhà nước Trung ương theo dõi, hướng dẫn các đơn vị có liên quan thực hiện và tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính; thu hồi nộp ngân sách do chi sai chế độ trong xây dựng cơ bản tại dự án này số tiền chỉ là hơn 115,5 triệu đồng (chi phí xây lắp 56,5 triệu đồng và chi phí khác trên 58,9 triệu đồng), chứ không phải là trên 346,7 tỷ đồng, trong đó có trên 328,4 tỉ đồng là “xử lý khác” như trong thông báo kết luận gửi Bộ Giao thông Vận tải mà Kiểm toán Nhà nước yêu cầu giảm trừ chi phí đầu tư xây dựng thực hiện tại dự án (tính tới tháng 6/2013). Số tiền này lãnh đạo VEC khẳng định đó là tiền “xử lý khác” chứ không phải thất thoát, sai phạm về tài chính hay bắt buộc phải thu hồi về ngân sách. |
Châu Như Quỳnh