1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình: “Đội” vốn do biến động giá và cơ chế

(Dân trí) - Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa lên tiếng sau kết luận của Kiểm toán Nhà nước về sai phạm tại Dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. VEC khẳng định việc “đội” vốn dự án là do biến động giá và thay đổi cơ chế.

VEC lý giải, hồ sơ nghiên cứu khả thi của dự án đã được hoàn thành năm 2004 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Theo đó, ngày 20/4/2005, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 323/QĐ-TTg về việc đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1) với Tổng mức đầu tư là 3.733,3 tỷ đồng (thời giá tháng 8/2004);

“Do tổng mức đầu tư của dự án lập vào thời điểm trước năm 2005, tại thời điểm này hình thức đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, sau đó do ngân sách nhà nước gặp khó khăn nên đã chuyển sang hình thức đầu tư bằng vốn trái phiếu công trình do VEC phát hành. Trong quá trình chuẩn bị xây dựng do thay đổi hình thức đầu tư bằng vốn trái phiếu công trình nên dự án đã phải chịu thêm phần lãi suất vay ngân hàng (có lúc lên đến 16%/năm) cùng với những biến động lớn về giá vật liệu, giá nhân công, giá ca máy, thay đổi thể chế chính sách xây dựng của Nhà nước dẫn đến tổng mức đầu tư của dự án đã được duyệt không còn phù hợp với thực tế. Vì vậy, dự án đã được điều chỉnh và được phê duyệt năm 2007 có tổng mức đầu tư là 7.723 tỷ đồng và năm 2010 là 8.974 tỷ đồng” - VEC cho hay.

Theo VEC, việc tăng tổng mức đầu tư chủ yếu là do nguyên nhân cộng thêm lãi suất huy động vốn và thay đổi bất khả kháng (giá vật liệu, giá nhân công, bổ sung khối lượng hạng mục, thể chế chính sách...). Các hạng mục khác tăng là do cơ chế quản lý đầu tư xây dựng của Nhà nước có sự thay đổi, thời điểm lập Dự án và thực hiện Dự án kéo dài. Trong đó, nguyên nhân gây tăng tổng mức lớn nhất do giải phóng mặt bằng chậm; tăng khối lượng công trình cầu vượt, cống chui theo yêu cầu của địa phương; địa chất, địa mạo diễn biến phức tạp, bất thường; biến động giá bất thường vào thời điểm năm 2007-2008.

VEC bác bỏ kết luận của Kiểm toán Nhà nước cho rằng khâu lập và thẩm định

VEC bác bỏ kết luận của Kiểm toán Nhà nước cho rằng khâu lập và thẩm định dự án có nhiều sai sót

Về định mức thi công cọc cát và giếng cát D400, theo VEC thực tế xây dựng ở nước ta hiện nay, thiết bị công nghệ và trình tự thi công cọc cát, giếng cát là như nhau. Việc thi công cọc cát, giếng cát đều phải trải qua các công đoạn cơ bản như sau: Chuẩn bị mặt bằng, đóng cọc mồi tạo lỗ, xúc đổ cát đến độ sâu thiết kế, bơm nước vào lỗ cọc, rung ống vách, vừa rung vừa nhổ ống vách, hoàn thiện đảm bảo theo đúng yêu cầu kỹ thuật.

Trong khi đó, quy định của Bộ Xây dựng về làm cọc cát bằng phương pháp ép rung, định mức này có mô tả chi tiết công việc giống như các công đoạn thi công đã nêu ở trên và không có tính chất đặc thù riêng cho bất kỳ dự án nào trong công trình giao thông cũng như các lĩnh vực xây dựng cơ bản khác. Do vậy, việc sử dụng định mức AC.24000 để lập dự toán cho các gói thầu phục vụ công tác đấu thầu là phù hợp.

“Đối với dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, việc lựa chọn nhà thầu thi công thông qua hình thức đấu thầu cạnh tranh, giá gói thầu được xác định thông qua kết quả đấu thầu, không theo giá trị dự toán do cơ quan tư vấn thiết kế lập được chủ đầu tư phê duyệt. Do đó, không thể nói việc lập dự toán là gây thất thoát” - VEC khẳng định.

VEC cũng bác bỏ kết luận của Kiểm toán Nhà nước về việc lập và thẩm định dự án là sai sót. Vì qua phân tích các phương án và kết quả thiết kế cụ thể khi so sánh và đánh giá giữa hai phương án, các chỉ tiêu kỹ thuật, kinh tế và tổng thể mạng đường cao tốc theo phương án đường cao tốc phía Đông là hợp lý nhất. Do đó, phải khẳng định việc lập, thẩm định dự án theo đúng quy định pháp luật.

Việc thu thập số liệu và khảo sát thực địa đã được tiến hành để phục vụ cho so sánh, phân tích lựa chọn phương án tuyến. Ngoài ra, cơ quan tư vấn TEDI còn sử dụng số liệu khảo sát thủy văn, địa chất của một số dự án (QL10, QL38, QL21A, QL1A, Đường sắt Bắc Nam..) để hoạch định phương án thiết kế là phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành.

Được biết, hôm 22/2, VEC đã tổ chức cuộc họp với tất cả các nhà thầu, tư vấn giám sát triển khai công tác kiểm điểm, khắc phục các tồn tại liên quan. VEC đã gửi văn bản tới từng đơn vị về các tồn tại được nêu trong báo cáo kiểm toán và yêu cầu các đơn vị kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan. Đồng thời yêu cầu các đơn vị hoàn thành việc khắc phục các tồn tại đã nêu trong báo cáo kiểm toán trước ngày 10/5/2014.

Đối với các sai lệch khác trong công tác nghiệm thu, thanh toán, do dự án được thực hiện trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lãi suất vay các ngân hàng tăng cao, để tạo điều kiện cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ nên VEC đã thực hiện tạm ứng, tạm thanh toán một số khối lượng hạng mục cho nhà thầu, các khối lượng thi công được chuẩn xác ở bước hoàn công.

VEC đã giao Ban Quản lý dự án phối hợp với Tư vấn giám sát, các nhà thầu rà soát và đối chiếu lại toàn bộ các khối lượng theo hồ sơ hoàn công để xác định giá trị xây lắp hoàn thành làm cơ sở thanh, quyết toán dự án.

Đối với các kết quả kiểm toán đo đạc hiện trường có sai lệch về độ dày kết cấu nền, mặt đường. Tuy vậy, chỉ xảy ra cục bộ ở một số vị trí, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có ý kiến chỉ đạo chủ đầu tư (VEC) tổ chức mời Tư vấn độc lập kiểm định chất lượng công trình xác định chi tiết các khiếm khuyết và xử lý trách nhiệm đúng quy định của pháp luật.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm