Cảnh sát bảo vệ và những câu chuyện về đại gia "ngã ngựa"

Đại gia thường gắn với quyền lực, tiền tài, mỹ nữ và luôn tỏa sáng trên… ti vi. Nhưng đại gia “ngã ngựa” mà các chiến sỹ Cảnh sát bảo vệ phải “quen” trong câu chuyện mà chúng tôi kể sau đây lại gắn với trại giam, còng số 8, vành móng ngựa… Gặp đại gia ở chốn công đường, trong một hoàn cảnh mà chẳng ai muốn rơi vào nhưng những chiến sỹ Cảnh sát bảo vệ đối đãi với họ rất tình người.

Chuyện “hậu trường” trong những phiên toà xét xử bầu Kiên được phóng viên ghi lại cho thấy, không chỉ bảo vệ an toàn cho các bị cáo, mà các anh còn tỉ mỉ lo đồ ăn, thức uống và tạo cơ hội trong phạm vi có thể để họ được tiếp xúc với người thân.

1. Những phiên xét xử các vụ đại án thường kéo dài hàng tuần, có khi vài tuần. Phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tại Hà Nội cũng không ngoại lệ. Thời điểm xét xử lại diễn ra đúng vào lúc rét đậm, rét hại. Chẳng mấy ai muốn ra khỏi chăn lúc tờ mờ sáng nhưng với các chiến sỹ Cảnh sát bảo vệ thì giờ giấc phải tuân thủ nghiêm ngặt. Bởi, không thể có chuyện quan toà tề tựu đông đủ mà chẳng thấy bị cáo đâu. Mà bị cáo trong các vụ án hình sự thường được Cảnh sát bảo vệ đưa đến.

Riêng vụ “bầu Kiên”, Công an TP Hà Nội đã cử gần 100 cán bộ, chiến sỹ đảm bảo an ninh trật tự trong suốt thời gian diễn ra phiên xử. Họ có nhiệm vụ kiểm tra an ninh, cháy nổ trong và ngoài phòng xử án, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các bị cáo, phòng ngừa các tình huống gây mất trật tự phiên tòa, góp phần giúp Hội đồng xét xử (HĐXX) và những người tham gia tố tụng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Nhiều ngày theo dõi phiên toà, tôi có dịp quan sát các chiến sỹ Cảnh sát bảo vệ và nhận thấy, trong số họ có nhiều người rất trẻ. Họ đều làm nhiệm vụ của mình một cách nghiêm cẩn, đúng mực.

Thượng sĩ Hoàng Văn Phong, Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an TP Hà Nội có khuôn mặt trẻ măng. Anh tâm sự: “Tôi đã tham gia bảo vệ nhiều phiên tòa, nhưng đây là lần đầu tiên được tham gia bảo vệ một phiên đại án. Nhận thấy tính chất quan trọng của vụ việc nên tôi cảm thấy trách nhiệm của mình rất lớn”.

Được biết, trước khi diễn ra phiên toà, chỉ huy đơn vị quán triệt rõ nhiệm vụ đến từng cán bộ, chiến sỹ. Thế nhưng, diễn biến tại phiên toà cũng xảy ra những tình huống phát sinh không lường trước. Chẳng hạn như người được Tòa triệu tập tới phiên xử nhưng lại quên mang giấy triệu tập, trong khi nhà họ ở xa, mà thời gian bắt đầu xét xử chỉ còn ít phút. Nếu không linh hoạt, rất khó để đảm bảo quy định, tránh ảnh hưởng đến quá trình xét xử…

Thượng tá Nguyễn Trọng Thanh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an TP Hà Nội thì “va” với nhiều phiên xét xử có số bị cáo lớn nên rất dày dặn kinh nghiệm.

Anh cho biết: “Khi Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đề nghị bố trí lực lượng bảo vệ phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, chúng tôi phải trao đổi trước với Chủ tọa phiên tòa để nắm rõ số lượng người tham dự, từ đó xây dựng phương án bảo vệ phiên tòa, bảo vệ các nhân chứng, nguyên đơn dân sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, bảo vệ đại diện các cơ quan có trách nhiệm được Tòa mời tới cung cấp các thông tin, tài liệu phục vụ cho quá trình xét xử vụ án”.

 

Cảnh sát bảo vệ và những câu chuyện về đại gia "ngã ngựa" - 1
Lực lượng Cảnh sát trại tạm giam áp giải bị cáo Nguyễn Đức Kiên về trại giam khi phiên tòa kết thúc.

Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp còn phối hợp với Cảnh sát trại tạm giam Bộ Công an bảo vệ các bị cáo tại phòng xử án, phòng cách ly bị cáo trong thời gian HĐXX nghỉ trưa để phòng ngừa và ngăn chặn những người có ý định tiếp xúc với bị cáo vì mục đích riêng, hoặc phát hiện và ngăn chặn các bị cáo có hành động tự gây thương cho mình, gây thương cho các bị cáo khác.

Phiên xét xử thường bắt đầu từ 7h30 nhưng 5h sáng, các chiến sỹ Cảnh sát bảo vệ đã có mặt tại toà. Theo đồng chí Thanh, các chiến sỹ phải làm nhiệm vụ để kiểm tra an ninh, kiểm tra an toàn cháy nổ trong và ngoài phòng xử án trước khi HĐXX làm việc. Khi những người dân đến tham dự phiên toà, Cảnh sát bảo vệ còn phải hướng dẫn người dân giữ gìn trật tự, vị trí ngồi…

2. Dẫn giải bị cáo đến phiên toà cũng là nhiệm vụ đòi hỏi các chiến sỹ Cảnh sát phải tuân thủ nghiêm ngặt kế hoạch của cấp trên. Theo Thượng tá Tạ Văn Duy, Trại tạm giam Bộ Công an, nơi tạm giam bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm cách địa điểm xét xử hơn 30km nên từ 5h sáng, cán bộ chiến sĩ của Trại phải làm thủ tục trích xuất các bị cáo ra khỏi phòng giam để bị cáo ăn sáng. Các bị cáo phải được đưa đến toà sớm hơn thời gian HĐXX làm việc khoảng hơn một tiếng.

Trong khoảng thời gian đợi này, các bị cáo được nghỉ ngơi, ổn định tâm lý. Thông thường, người thân các bị cáo rất mong được gặp họ để thăm hỏi, đưa đồ ăn… Biết rõ tình cảm và mong muốn chính đáng của người thân các bị cáo, nhưng các chiến sỹ Cảnh sát không thể để bị cáo tuỳ tiện nhận đồ tiếp tế này. Bởi lẽ, thức ăn chưa được kiểm định, nhỡ bị cáo ăn vào bị đau bụng thì ảnh hưởng đến phiên xét xử.

Chính vì thế, chính các đồng chí Cảnh sát là người chuẩn bị đồ ăn cho từng bị cáo. Thức ăn đảm bảo vệ sinh, đủ dinh dưỡng, hợp khẩu vị. Trong những phút nghỉ trưa ngắn ngủi, chiến sỹ Cảnh sát phải đảm bảo để các bị cáo ăn đủ khẩu phần. Còn bản thân các anh thì thay nhau làm nhiệm vụ và tranh thủ ăn trưa.

Tại phiên xét xử “bầu Kiên”, có nhiều bị cáo lớn tuổi, từng giữ các vị trí cao ở Ngân hàng ACB. Trong khi đó, cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ phần lớn còn trẻ tuổi nên trong quá trình làm nhiệm vụ áp giải nhiều lúc cũng bị một số bị cáo có lời lẽ không đúng mực, thiếu tôn trọng gây ức chế. Tuy nhiên, cán bộ chiến sĩ vẫn bình tĩnh xử lý các tình huống đột xuất xảy ra để vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa tránh tạo tâm lý không tốt đối với các bị cáo. Do chủ động làm tốt các nhiệm vụ liên quan đến việc bảo vệ phiên tòa nên trong những ngày diễn ra phiên xử phúc thẩm vụ án này, chưa xảy ra một sự cố nào làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử.

Vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm được dư luận đặc biệt quan tâm, theo dõi diễn biến nên trong thời gian diễn ra phiên tòa, các lực lượng Công an làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa luôn chủ động trong mọi tình huống để đảm bảo an ninh trật tự, góp phần quan trọng phục vụ công tác xét xử vụ án này được thuận lợi. Ngay cả một người có tính cách ngang ngạnh như bị cáo Nguyễn Đức Kiên mà cũng nhiều lần chuyện trò nở nụ cười thân thiện với lực lượng Cảnh sát làm nhiệm vụ khi phiên tòa tạm nghỉ. Lý do là bởi những cán bộ, chiến sĩ dù đề cao trách nhiệm trong công việc, nhưng luôn đối xử với bị cáo Kiên và đồng phạm cũng như người thân trong gia đình các bị cáo bằng tình người.

Có lẽ chính điều này đã khiến bị cáo Kiên cảm thấy thoải mái chứ không bực bội. Cũng phải nói thêm rằng, vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm được dư luận đặc biệt quan tâm, theo dõi diễn biến nên trong thời gian diễn ra phiên tòa, lực lượng Cảnh sát bảo vệ luôn chủ động kiểm tra mọi tình huống trong và ngoài phòng xử án để đảm bảo trật tự, vì thế tình hình an ninh trật tự luôn được đảm bảo.

3. Nhìn những công việc thường nhật của lực lượng Cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa sẽ thấy bình thường. Nhưng có ở vào vị trí làm việc của các anh mới hiểu rằng, những việc thường nhật ấy tuy âm thầm nhưng rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trật tự phiên tòa để HĐXX và những người tham gia tố tụng có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Đại án” bầu Kiên chỉ là một trong nhiều phiên toà mà họ tham gia bảo vệ. Chính sự nghiêm ngắn, chu đáo của lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đem lại sự an toàn và thành công của phiên xét xử.

Theo Nguyễn Hưng
Công an nhân dân