Cảnh nước lũ dâng ngập gần nóc nhà ở Điện Biên

(Dân trí) - Mưa lũ đang gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng ở Điện Biên: nhiều tuyến đường sạt lở, bị chia cắt; nhiều tài sản bị cuốn trôi; có khu vực nước lũ dâng ngập đến gần nóc nhà...

Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ Hạng Nhè Ly cho biết, vào thời điểm 12h ngày 2/8, nhiều xã của huyện Nậm Pồ, Điện Biên đang bị cô lập do 2 tuyến đường chính đi vào trung tâm huyện là đường từ Km45 và đường từ xã Chà Cang (huyện Nậm Pồ) đi vào trung tâm huyện đều bị mưa lũ, sạt lở chia cắt.

Các xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ đang bị cô lập là: xã Vàng Đán, Nà Bủng, Nậm Chua, Nậm Nhừ, Na Cô Sa, Nà Khoa...


Nước lũ dâng ngập gần tới nóc nhà ở huyện Nậm Pồ.

Nước lũ dâng ngập gần tới nóc nhà ở huyện Nậm Pồ.

Theo ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Ban Quản lý Dự án các công trình giao thông tỉnh Điện Biên cho biết: Trên tuyến tỉnh lộ Km45 – Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ), vào khoảng 8h30 ngày 2/8, tại vị trí Km16 + 900 đã xảy ra sụt sạt nghiêm trọng, làm đứt hẳn 20m đường, không thể đi lại được.

Nguyên nhân sạt lở là do mưa lớn vào đêm 1/8, trên ta luy dương khu vực đường bị sạt lở xuất hiện lũ ống, tạo dòng thác cao trên 30m dội thẳng vào mặt đường gây sụt, đứt một đoạn đường.

Ngoài vị trí bị sạt mất hẳn một đoạn đường, trên toàn tuyến tỉnh lộ Km45 – Nà Hỳ (dài 32km) còn có 11 vị trí xảy ra sụt sạt lớn, với tổng khối lượng ước tính trên 20.000m3 đất đá.

Ban Quản lý Dự án các công trình giao thông trọng điểm tỉnh Điện Biên đang huy động doanh nghiệp khẩn trương chở đá và rọ thép, máy móc, nhân lực để khắc phục đoạn đường sạt lở. Tuy nhiên do trời mưa lớn cùng với việc thiếu nguyên vật liệu nên dự kiến phải mất khoảng 2 ngày nữa mới có thể khắc phục sự cố sạt lở này.

Mưa lũ cũng gây nhiều thiệt hại tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Sáng 2/8, tại bản Nậm Là 2, xã Mường Nhé, mưa lũ đã cuốn trôi 16 xe máy, hiện tại đã tìm được 14 chiếc còn lại 2 chiếc vẫn chưa tìm thấy; 1 ngôi nhà bị sạt. Chính quyền huyện Mường Nhé đã huy động các lực lượng công an, bộ đội sơ tán đồ đạc giúp người dân.

Đến thời điểm 12h ngày 2/8, nước đã rút, tuy nhiên nhiều diện tích ruộng vẫn còn bị ngập. Tuyến đường từ trung tâm huyện đi xã A Pa Chải có nhiều điểm sạt lở khiến ô tô không thể đi lại được.

Huyện Mường Nhé đang huy động máy móc, nhân lực khắc phục sự cố.


Sụt taluy âm làm đứt hẳn 20m đường tại Km16+900 trên tuyến tỉnh lộ Km45 – Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ).

Sụt taluy âm làm đứt hẳn 20m đường tại Km16+900 trên tuyến tỉnh lộ Km45 – Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ).


Điểm sụt sạt tại Km16+900 tuyến tỉnh lộ Km45 – Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ).

Điểm sụt sạt tại Km16+900 tuyến tỉnh lộ Km45 – Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ).


Lũ tại ngầm Nà Khoa (huyện Nậm Pồ) làm cô lập xã Nà Khoa.

Lũ tại ngầm Nà Khoa (huyện Nậm Pồ) làm cô lập xã Nà Khoa.

Cảnh nước lũ dâng ngập gần nóc nhà ở Điện Biên - 5


Nước dâng cao tại các con suối ở huyện Nậm Pồ, ngập gần hết hàng rào.

Nước dâng cao tại các con suối ở huyện Nậm Pồ, ngập gần hết hàng rào.


Một điểm trường bị ngập tại huyện Nậm Pồ.

Một điểm trường bị ngập tại huyện Nậm Pồ.


Ngập lụt tại tuyến đường từ trung tâm huyện Mường Nhé đi xã Chung Chải.

Ngập lụt tại tuyến đường từ trung tâm huyện Mường Nhé đi xã Chung Chải.

Cũng trong ngày 2/8, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Công điện hỏa tốc số 08 về việc ứng phó với mưa lớn và nước dâng do Thủy điện Lai Châu xả lũ.

Đêm 1/8 và sáng 2/8, các huyện thuộc đầu nguồn sông Đà xuất hiện mưa to hơn 155mm, gây sạt lở nhiều tuyến đường, trong đó có hai người mất tích, đến nay vẫn chưa tìm thấy và di dời 50 hộ dân ra khởi vùng sạt lở cao. Đặc biệt, mưa tại đầu nguồn đổ về khiến Nhà máy Thủy điện Lai Châu phải xả lũ khẩn cấp.

Theo Báo cáo của Công ty Thủy điện Sơn La và hồ chứa Thủy điện Lai Châu đến 7 giờ ngày 2/8, hồ chứa Thủy điện Lai Châu có mực nước 294,01m, lưu lượng về 4.954m3/s, lưu lượng qua 3 tổ máy là 1.493m3/s, các cửa xả sâu, xả mặt đóng hoàn toàn; hiện tại lưu lượng về hồ và mực nước tăng dần. Công ty dự kiến sẽ mở vận hành mở cửa đập tràn xả mặt để điều tiết, duy trì mực nước dâng bình thường ở cao trình 295 m, lưu lượng xả qua tràn khoảng 2.000 m3/s đến 3.000 m3/s; tổng lưu lượng xả khoảng 3.493 m3/s đến 4.493 m3/s.

Để chủ động ứng phó với tình hình xả lũ của Thủy điện Lai Châu, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công ty Thủy điện Sơn La giám sát chặt chẽ việc tích nước và xả nước của hồ chứa, có phương án xử lý đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du;

UBND các huyện, các xã, thị trấn trong vùng ảnh hưởng của xả lũ tăng cường chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn triển khai các phương án sẵn sàng ứng phó, bảo vệ sản xuất, sơ tán người và tài sản để đảm bảo an toàn;

Các lực lượng Công an, Quân đội trên địa bàn phối hợp với chính quyền các địa phương vùng ảnh hưởng chủ động triển khai phương án ứng phó; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tổ chức ứng cứu khi có yêu cầu…

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Đỗ Ngọc An cùng các ban, ngành đã có mặt tại Nhà máy Thủy điện Lai Châu để trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo việc xả lũ, bảo đảm an toàn cho người dân dưới hạ lưu, đồng thời đã đi kiểm tra tại Quốc lộ 4H và tỉnh lộ 127 (tỉnh Lai Châu đi huyện Mường Tè) để chỉ đạo việc khắc phục hậu quả mưa lũ, thăm hỏi động viên gia đình bị nạn.


Nhà máy thủy điện Lai Châu xả lũ khẩn cấp. Ảnh: Văn Hoàng-TTXVN

Nhà máy thủy điện Lai Châu xả lũ khẩn cấp. Ảnh: Văn Hoàng-TTXVN


Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường tại Lai Châu bị sạt lở. Ảnh: Văn Hoàng-TTXVN

Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường tại Lai Châu bị sạt lở. Ảnh: Văn Hoàng-TTXVN

Xuân Tư - Tuấn Anh
TTXVN