Canh cánh nỗi lo người trồng hoa Tết
(Dân trí) - Người trồng hoa Tết ngoài kỹ thuật, kinh nghiệm “ăn đời ở kiếp”, còn phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết. Sau vụ hoa trắng tay do trận lũ năm ngoái, người trồng hoa ở Bình Định lại canh cánh nỗi lo cùng với kỳ vọng vụ hoa Tết bội thu.
Những ngày này, về làng cúc Vinh Liêm thuộc phường Bình Định (thị xã An Nhơn), các nhà vườn trồng cúc dọc ở bắc sông Hà Thanh (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), không khí hối hả, tất bật việc chăm sóc, phòng trừ bệnh để những chậu cúc cho hoa đúng dịp Tết.
Tại phường Bình Định (thị xã An Nhơn) được xem là vương quốc của hoa tết, toàn phường có gần 50 hộ trồng cúc với trên 26.000 chậu, tập trung tại các khu vực Vĩnh Liêm, Kim Chây, Nguyễn Thị Minh Khai, Kim Châu… Riêng khu vực Vĩnh Liêm có số hộ trồng hoa cúc đông nhất với khoảng 30 hộ, số lượng trồng hơn 10.000 chậu, bình quân mỗi hộ trồng từ 350-400 chậu.
Với người dân khu vực Vĩnh Liêm, ngoài việc làm ruộng, thì họ còn lấy nghề trồng hoa tết làm thu nhập chính. Thế nhưng, để có mùa hoa Tết bội thu lại không phải là chuyện dễ dàng. Thức khuya, dậy sớm, suốt ngày có mặt ngoài vườn hoa chăm bẳm hoa còn hơn chăm con mọn. Nếu gặp năm thắng lợi thì khoản lợi nhuận dành dụm để lo con cái ăn học, phần chi phí sắm sửa cho gia đình ngày tết. Gặp năm thời tiết khắc nghiệt, mua lũ, chưa nói đến sâu bệnh tấn công thì coi như công sức đổ xuống sông xuống biển.
Chẳng nói đâu xa, trận lũ hồi cuối năm 2013, gần như toàn bộ vườn cúc ở Vĩnh Liêm mất trắng do lũ, thiệt hại cho bà con nông dân cả tỷ đồng. Người trồng hoa tết nói rằng, thành hay bại phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết. Như năm nay, do nhuận hai tháng 9 âm lịch, nắng mưa lại thất thường khiến người trồng cúc ở Bình Định phải dùng mọi biện pháp kỹ thuật, ngày đêm bán vườn chăm sóc với hi vọng hoa nở đúng dịp Tết nguyên đán.
Thâm niên trồng hoa tết cả vài chục năm như bà Hồ Thị Phải (60 tuổi) cũng bó tay với “tính tình” thất thường của ông trời. Trận lũ cuối 2013, làm 1.500 chậu cúc của gia đình bà bị nước lũ nhấn chìm, chết úng gần như toàn bộ. “Khác với các loại hoa cảnh bán dịp tết, đòi hỏi hoa phải đẹp nở đúng Tết, nếu nở sớm hay muộn coi như thất bại. Trong khi đó, với cây mai vàng nếu năm nay không bán được thì còn đó, tính ra không lỗ”, bà Phải phân trần.
Còn chị Lê Thị Đào (42 tuổi), chủ vườn có 300 chậu cúc ở Vĩnh Liêm, cho biết: “Năm nay nhuận hai tháng 9 âm lịch nên các nhà vườn trồng cúc ở Vĩnh Liêm phải xuống giống muộn 1 tháng. Đến nay, cúc đã được gần 4 tháng, cây đang đóng nụ đây là thời điểm rất quan trọng, quyết định sự thành bại, nên cây cúc phải được chăm sóc tích cực để bảo đảm sinh trưởng phát triển. Tuy nhiên, ngoài bàn tay chăm sóc của con người thì phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nắng mưa, lạnh giá, nắng nóng thất thường làm thay đổi chu kỳ sinh trưởng, cúc nở sớm hoặc nở muộn. Bên cạnh đó, nắng mưa thất thường, độ ẩm thay đổi tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh bùng phát.
“Trông cúc cả 20 năm nay nhưng tôi vẫn bó tay với thời tiết. Đến thời điểm này, cây cúc phát triển bình thường, nhưng có điều năm nay xuất hiện tình trạng cúc bị cháy rụng lá chân. Có thể do nắng dài ngày, bất ngờ gặp mưa lá bị dập, sinh bệnh rồi chết dần. Cây cúc không ưa nước nếu bị úng nước dễ bị thối dễ, lá chân héo dụng dần, nặng thì chết. Nếu cây cúc mà bị dụng lá chân, trống chậu, giá bán sẽ giảm nhiều, thậm chí chẳng ai thèm mua.
Làng hoa Vĩnh Liêm có nhiều chủng loại, chiếm đa số là cúc đại đóa, pha lê và số ít là cúc mâm xôi Nhật Bản. Trước khi xuống giống phải chuẩn bị các chậu vô đất sẵn để gieo giống. Khoảng 10 ngày cúc bén dễ, lúc này cần bổ sung thuốc kích thích cho dễ, đồng thời bơm phòng thuốc bệnh. Việc tưới nước tùy theo thời tiết, phân bón định kỳ tuần 1 lần. Theo những người trồng cúc ở Vĩnh Liêm, đối với cúc pha lê, đây là loại cúc đơm búp sớm nên muốn chúng ra hoa kịp tết phải thắp điện dài ngày hơn loại cúc đại đóa khoảng nửa tháng. Việc thắp điện để hãm cúc đóng nụ, trỗ bông sớm. Khi hoa đến 2 tháng tuổi là cắt, không dùng điện để cúc phát triển tự do, lấy sức đơm búp, để hoa nở đúng dịp Tết.
Với những người có thâm niên trong nghề trồng hoa tết như bà Phải, chị Đào còn thấp thỏm lo lắng, huống gì những người mới chập chững vào nghề như bác Hai Xiêm ở (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn). Mùa hoa Tết năm nay, bác Xiêm mạnh dạn đầu tư vốn mua sắm dụng cụ trồng trên 400 chậu cúc phá lê, đại đóa. “Giờ có tuổi rồi có muốn làm cũng đâu ai thuê mướn mình. Tôi chẳng biết gì về kinh nghiệm trồng hoa nên mọi việc đều hỏi các chủ vườn có kinh nghiệm chỉ lại. Họ bày gì, thấy họ làm gì mình làm theo. Đến thời điểm này, thấy cây cúc phát triển bình thường, nhưng từ giờ tới tết thời gian quá dài không thể nói trước được điều gì. Do ban đầu trồng cúc nên vốn đầu tư bỏ ra khá tốn kém, chưa nói công sức bỏ ra, rồi bỏ vợ con ra lán trại nằm trông coi. Nếu như thất bại, có khi tết này vợ không cho vào nhà ấy chứ…”, bác Hai Xiêm, cười tếu chia sẻ.
Hàng năm, cứ đến vụ hoa Tết, người trồng cúc ở tỉnh Bình Định lại canh cánh nỗi lo, cúc mất mùa đồng nghĩa với Tết mất vui.
Doãn Công