Thất thoát nguồn phóng xạ tại Viện công nghệ xạ hiếm:
Cảnh báo về an ninh bức xạ, hạt nhân
(Dân trí) - Trong quá trình sửa chữa nhà tại Viện Công nghệ xạ hiếm, ngày 26/5 một công nhân đã lấy trộm một chiếc hộp sắt đem bán cho cửa hàng phế liệu trên đường Bạch Đằng, Hà Nội. Điều nguy hiểm ở chỗ, chiếc hộp này chứa 54,8 miligram hợp chất có tính phóng xạ, có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của người liên quan.
Chiếc hộp này đã bị người thu mua đồng nát... đập vỡ ra để lấy phế liệu. 2 ngày sau khi chiếc hộp bị bán cho đồng nát, đã có một cơn mưa xảy ra ở khu vực này và điều này rất có thể đã phát tán phóng xạ ra môi trường xung quanh.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với Cục Bảo vệ An ninh Kinh tế (Bộ Công an) xác định đối tượng lấy cắp hộp sắt. Đồng thời các đơn vị kỹ thuật của Viện Công nghệ xạ hiếm, Viện Khoa học Kỹ thuật hạt nhân, Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam và Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân đã tiến hành đo đạc, đánh giá nhiễm bẩn môi trường tại địa điểm rò rỉ nguồn phóng xạ…
Gặp người đập chiếc hộp phế liệu!
Khó khăn lắm, chúng tôi mới tìm được chị Nguyễn Thị Hoa (chủ cửa hàng thu mua sắt phế liệu 628 đường Bạch Đằng, Hà Nội). Chị Hoa đang ở nhờ nhà người em cách đó không xa.
Với vẻ mặt bình thản như không có chuyện gì xảy ra, chị kể: “Cách đây gần chục ngày (ngày 26/5-PV), có một thanh niên mang đến bán cho chị một chiếc hộp kim loại nặng 7, 5 kg với giá 25.000đ. Chính tay chị là người đã đập ra và cất đi, nhưng bên trong không có gì, khoảng 5-6 ngày sau thì bán”.
Khi được hỏi có biết tại sao gia đình chị phải chuyển đi chỗ khác và toàn bộ ngôi nhà đang bị xới tung lên? chị Hoa lúng túng đáp “không biết”.
Chúng tôi đề cập đến chuyện sức khỏe của chị thì nhận được câu trả lời rất thản nhiên: “không có gì, bản thân tôi thì không thấy có gì, vẫn khỏe nên cũng không cần đi khám”. Chị Hoa cho biết mỗi chị ở lại trông coi, còn chồng và con đã về quê. “Tôi cảm thấy không có vấn đề gì”, chị Hoa lúng túng khẳng định, không dám nhìn vào mắt chúng tôi!
Đến bao giờ dân mới được biết?
Khác hẳn với thái độ “bình thường” của chị Hoa, những người dân xung quanh lại cực kỳ lo lắng. Họ cho biết từ hôm xảy ra vụ việc đến giờ, chưa có bất kỳ một thông báo chính thức nào của cơ quan chức năng. Họ luôn sống trong trạng thái căng thẳng. Những thông tin họ có được về mức độ nguy hiểm của việc nhiễm xạ đều tự qua sự dò hỏi và suy đoán.
Anh Nguyễn Văn Biên, chủ số nhà 630 Bạch Đằng ngay sát bên cạnh căng thẳng nói: “Đáng nhẽ nếu nghiêm trọng thì phải thông báo để dân sơ tán, rồi muốn đào gì thì đào". "Các ông ấy nói là không sao, nhưng tại sao các ông ấy đã đi ủng lại còn phải đi túi nilon ra ngoài? Tại sao ngay từ hôm đầu những cái bụi nhỏ nhất cũng phải cho vào trong túi nilon?”, anh Biên thắc mắc.
Trở lại hiện trường căn nhà số 628 ngày 3/6, nền nhà trước cửa đang được các công nhân đào sâu xuống dưới. Người dân xung quanh cho biết khi chiếc hộp sắt được đập ra, toàn bộ những thứ bên trong được đổ ngay ra nền đất phía trước cửa.
Ngay phía dưới nền đất đó là đường ống nước của toàn bộ khu dân cư. “Liệu có ảnh hưởng gì đến đường ống nước không? Liệu chúng tôi có an toàn không?”, những người sống xung quanh lo lắng đặt câu hỏi, nhưng chỉ nhận được câu trả lời chung chung từ những cán bộ ngày nào cũng ngồi ở quán nước đối diện để kiểm tra quá trình xử lý ngôi nhà là “không sao đâu”!
Anh Nguyễn Văn Biên còn cho biết, sau khi xảy ra vụ việc 2 ngày thì có một trận mưa to. Anh Biên phân vân không biết những chất lạ được đổ ra đường ấy liệu có theo nước mưa mà trôi đi khắp nơi không?
“Hãn hữu, nhưng rất nguy hiểm”!
Phóng viên Dân Trí đã có buổi làm việc với một chuyên gia kiểm soát an toàn bức xạ, hạt nhân, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Ông này (xin giấu tên) cho biết các cơ quan chức năng đã nhận được thông báo và triệu tập những phiên họp khẩn cấp để giải quyết vụ việc với sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan.
Về mức độ nghiêm trọng của vụ việc, “theo đánh giá sơ bộ và căn cứ tiêu chuẩn đánh giá mức độ nguy hiểm của nguồn phóng xạ, tuy mức độ nguy hiểm không cao, nhưng còn phải căn cứ vào thời gian và khoảng cách tiếp xúc với nguồn phóng xạ của nạn nhân mới xác định được cụ thể độ nhiễm phóng xạ”, ông nói.
Ông cho biết thêm, “những trường hợp như thế này là hãn hữu, nhưng có thể nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của những người có liên quan, đặc biệt khi lớp chì bảo vệ bị phá vỡ”.
Cũng theo chuyên gia này, đã lâu lắm rồi mới xảy ra một vụ việc tương tự. Vụ gần đây nhất xảy ra vào những năm 70, khi những thanh kim loại chứa nguồn côban 60 (mức độ nguy hiểm loại 2) đã gây nhiễm xạ tại phố Hàng Chuối với lý do tương tự. Đối tượng đã phá vỏ bọc kim loại để lấy chì, gây nhiễm xạ nặng cho một nạn nhân.
Theo nguồn thống kê, hiện nay trên cả nước đã có khoảng trên 1000 cơ sở sử dụng bức xạ hạt nhân, thuộc nhiều lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, công nghiệp, môi trường… Chỉ trong lĩnh vực y tế đã có hàng nghìn máy chụp X-quang và trên 20 cơ sở y học hạt nhân (dùng đồng vị phóng xạ để chuẩn đoán và điều trị bệnh).
Trong công nghiệp, các thiết bị phóng xạ cũng được dùng để kiểm tra xác định vết nứt trên mối hàn, đường ống, nồi hơi, chất lượng công trình xây dựng… Nếu không nâng cấp điều kiện bảo vệ với qui trình cẩn mật như những “ngân hàng”, thì những sự việc gây hậu quả khó lường như thế này rất có thể tái diễn.
Phan Tùng