Cảnh báo nguy cơ tái đại dịch tôm hùm ở Phú Yên

(Dân trí) - Tỉnh Phú Yên vừa đưa ra khuyến cáo nguy cơ bùng phát dịch bệnh và làm chết hàng loạt tôm hùm ở TX. Sông Cầu (Phú Yên), trước tình trạng diễn biến của thời tiết, môi trường tại vùng nuôi này đang xấu đi.

Theo Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản tỉnh Phú Yên, kết quả quan trắc chất lượng 12 mẫu nước tại các vùng nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông (thị xã Sông Cầu) vào cuối tháng 5 đã xác định các chỉ tiêu quan trọng như: NH3 vượt ngưỡng giới hạn cho phép từ 3,2 đến 5 lần so với đợt quan trắc trước đó một tuần.

Tương tự, chỉ tiêu H2S cũng vượt ngưỡng cho phép và tăng gấp 3 lần; tất cả các vùng nuôi tôm hùm trong vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông đang có hàm lượng DO (oxy hòa tan trong nước) thấp, chỉ đạt từ 3,3 mg/l đến 5,8 mg/l, trong khi giới hạn cho phép từ 6,2 mg/l đến 7,2 mg/l. Tình trạng thiếu oxy có xu hướng vào sáng sớm do hiện nay là mùa nắng nóng, thỉnh thoảng có mưa dông, nước dễ phân tầng.

Cảnh báo nguy cơ bùng phát đại dịch tôm hùm ở Phú Yên (ảnh minh họa)
Cảnh báo nguy cơ bùng phát đại dịch tôm hùm ở Phú Yên (ảnh minh họa)

Riêng vùng nuôi ở phường Xuân Yên có mật độ Vibrio spp (vi khuẩn gây bệnh trên thủy sản) tổng số vượt ngưỡng giới hạn cho phép từ 0, 4 lần đến 1,9 lần….

Hiện nay, vùng nuôi tôm hùm thị xã Sông Cầu đang vào mùa nắng nóng nên các chỉ tiêu trên có thể tiếp tục tăng, gây ảnh hưởng rất xấu đến việc nuôi tôm hùm.

Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản tỉnh Phú Yên đã khuyến cáo người nuôi quản lý tốt lượng thức ăn, cần thiết nên giảm 50% lượng thức ăn và không để thức ăn dư thừa rơi xuống tầng đáy gây ô nhiễm; không nuôi tôm với mật độ dày, san thưa mật độ tôm nuôi trong mỗi lồng, bán tôm khi đạt kích thước thương phẩm, tách những cá thể tôm nhiễm bệnh nuôi riêng, có thể nâng lồng nuôi để tránh thiếu oxy cục bộ tại tầng đáy ….

Như trước đó báo Dân trí đã thông tin, từ ngày 24 - 26/5/2017 và 1 - 6/6/2017, tại vùng nuôi xã Xuân Phương và phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu) đã xảy ra đợt tôm hùm chết kỷ lục, với hơn 1,6 triệu con tôm hùm chết, thua lỗ nghiêm trọng cho 693 hộ nuôi.

Qua xét nghiệm 23 mẫu tôm hùm, mẫu thức ăn, mẫu nước và mẫu bùn tại 4 khu vực khác nhau đã xác định do môi trường nuôi bị ô nhiễm nặng, đặc biệt là tầng đáy do quá trình tích lũy thức ăn dư thừa, chất thải trong nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt trong thời gian dài.

Diễn biến thời tiết bất thường kết hợp hiện tượng tảo phát triển mạnh tại khu vực nuôi gây hiện tượng thiếu oxy tầng đáy làm thủy sản chết.

Trung Thi