Cảnh báo người dân đề phòng tai nạn điện
(Dân trí) - Trước tình hình tai nạn điện và hỏa hoạn khi sử dụng điện tăng cao trên địa bàn TPHCM những tháng đầu năm 2009, Công ty Điện lực TPHCM đã phải ra thông báo cảnh báo người dân đề phòng và hướng dẫn 12 biện pháp phòng ngừa.
Không chạm vào chỗ có điện như dây điện, ổ cắm điện, cầu dao... (Ảnh minh họa: dieuduong.com.vn)
Nguyên nhân chủ yếu là do thiết bị sử dụng điện không đảm bảo an toàn và người dân bất cẩn trong khi sử dụng các thiết bị điện, không sử dụng các phương tiện bảo hộ khi sử dụng các dụng cụ điện…
Thống kê của Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TPHCM cũng cho thấy: hầu hết các vụ cháy, nổ tại khu vực dân cư liên quan đến yếu tố điện, chủ yếu là do chập điện; tỷ lệ vụ cháy liên quan đến yếu tố điện có tháng lên đến hơn 80% tổng số vụ cháy.
Ông Trần Khiêm Tuấn, Phó giám đốc thường trực Công ty Điện lực TPHCM cho biết: “Điện lực TPHCM khẩn thiết kêu gọi mọi người hãy hết sức cẩn thận trong việc sử dụng điện để đề phòng tai nạn điện, hỏa hoạn đáng tiếc có thể xảy ra; không nên coi thường tính chất nguy hiểm của nguồn điện”.
Điện lực TPHCM cũng đề nghị người dân chú ý thực hiện các biện pháp đề phòng tai nạn điện và hỏa hoạn khi sử dụng điện như sau:
1. Không chạm vào chỗ đang có điện trong nhà như: ổ cắm điện; cầu dao, cầu chì không có nắp đậy; chỗ tróc vỏ bọc cách điện của dây dẫn điện; chỗ nối dây; dây điện trần… để không bị điện giật chết người.
2. Dẫn dây điện trong nhà phải được đặt trong ống cách điện và dùng loại dây có vỏ bọc cách điện, có tiết diện dây đủ lớn để có dòng điện cho phép của dây dẫn lớn hơn dòng điện phụ tải để dây điện không bị quá tải gây chạm chập, phát hỏa trong nhà.
3. Phải lắp cầu dao hoặc áptômát hoặc thiết bị ngắt nhanh ở phía sau điện kế, ở đầu đường dây điện chính trong nhà, ở đầu mỗi nhánh dây phụ và lắp cầu chì ở trước các ổ cắm điện để ngắt nhanh dòng điện khi có chạm chập hoặc quá tải, ngăn ngừa phát hỏa do điện.
4. Khi sử dụng các công cụ điện cầm tay như (máy khoan cầm tay, máy mài cầm tay...) phải mang găng tay cách điện hạ thế để không bị điện giật khi công cụ điện bị rò điện.
5. Khi sửa chữa điện trong nhà phải cắt cầu dao điện và treo bảng: “Cấm đóng điện, có người đang làm việc” tại cầu dao để không bị điện giật.
6. Không để trang thiết bị phát nhiệt ở gần đồ vật dễ cháy, nổ để không làm phát hỏa trong nhà.
7. Không sử dụng dây điện, thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà… có chất lượng kém, vì các thiết bị điện này có lớp cách điện xấu dễ gây chạm chập, rò điện ra vỏ gây điện giật chết người cho người sử dụng, gây phát hỏa trong nhà.
8. Không bắn súng hoặc ném đất đá, thanh, cây kim loại, dây kim tuyến, pháo hoa, vất lạ... vào đường dây điện, trạm điện vì có thể làm chạm chập, đứt dây gây nguy hiểm.
9. Không lắp đặt ăng ten ti vi gần đường dây, trạm điện vì ăng ten có thể ngã đổ vào dây điện, trạm điện gây chạm chập, đứt dây, phóng điện rất nguy hiểm, làm chết người đang tháo lắp ăng ten.
10. Không được tới gần đường dây, trạm điện 15kV, trong phạm vi 2 mét (đường dây, trạm điện 100kV trong phạm vi 4 mét) bằng bất cứ cách gì như: leo lên mái nhà, sân thượng; leo ra ban-công, lan-can, ô-văng… từ các nhà, công trình ở gần đường dây, trạm điện hoặc đưa đồ vật dài, cần cẩu của xe cẩu… lên gần đường dây điện để phòng ngừa điện giật hoặc bị điện cao thế phóng chết người.
11. Khi trời mưa, giông, bão… không chạm người vào cột điện, dây chằng cột, dây nối đất, thùng điện kế, thùng cầu dao… để đề phòng điện giật do rò điện.
12. Khi phát hiện trụ điện ngã hoặc dây điện đứt rơi xuống đường, ruộng, ao, hồ,… người phát hiện không được đến gần và phải cấp báo cho mọi người xung quanh biết, tìm cách lập rào chắn, dùng mọi phương tiện thông tin báo ngay cho Điện lực khu vực. |
Tùng Nguyên