Cảnh báo nạn cướp biển gia tăng trên biển Đông
(Dân trí) - Cục Hàng hải Việt Nam vừa đưa ra cảnh báo về nạn cướp biển gia tăng trên biển Đông. Cơ quan này yêu cầu các Cảng vụ Hàng hải địa phương tăng cường các biện pháp đối phó với tình hình này nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải trên biển Đông.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, đã xảy ra 3 vụ cướp biển có vũ trang tấn công và bắt cóc thuyền, tàu lai dắt trong vùng biển Đông Sabah và Nam Philippines trong khoảng thời gian từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4.
Ngày 26/3, tàu Brahma 12 treo cờ Indonesia kéo sà lan Anand 12, chở 7.000 tấn than rời cảng Kalimantan (Indonesia) đến nhà máy thủy điện Philippines đã bị 17 tên cướp trang bị súng đột nhập lên tàu từ một tàu cao tốc có 3 máy ngoài và một tàu vỏ gỗ động cơ đẩy thủy lực. Toán cướp bắt toàn bộ 10 thuyền viên người Indonesia.
Ngày 1/4, tàu Massive 6 quốc tịch Malaysia với 9 thuyền viên đang trên đường từ Manila (Philippines) đi Tawau để tiếp nhiên liệu. Tại khu vực cách Semporna, Sabah, đông Malaysia khoảng 27 hải lý, 8 tên cướp trang bị súng đã tiếp cận và lên tàu, bắt 4 thuyền viên người Malaysia.
Tiếp đó, ngày 15/4, tàu Henry quốc tịch Indonesia kéo theo sà lan Christi khi đang trên đường đến Cebu, Philippines đi Tarakan (Indonesia) đã bị một số tên cướp có vũ trang sử dụng xuồng cao tốc tiếp cận. Tàu bị tấn công bằng súng khiến một thuyền viên bị thương và 4 người khác bị bắt.
Mới đây nhất, Cục Hàng hải Việt Nam nhận được báo cáo đặc biệt từ Trung tâm chia sẻ thông tin Hội đồng điều hành chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á (Recaap) về tình hình cướp biển xảy ra với các tàu lai dắt trong vùng biển Đông Sabah và Nam Philippines.
Với tình hình này, Cục Hàng hải Việt Nam đã chính thức đưa ra cảnh báo và có công văn yêu cầu các Cảng vụ Hàng hải tuyên truyền, phổ biến với các chủ tàu, công ty quản lý khai thác tàu về tình hình cướp biển và yêu cầu triển khai kế hoạch an ninh tàu biển, như: Tăng cường trực ca khi neo đậu, giữ chiếu sáng xung quanh tàu và bật đèn pha cao áp, tăng cường xoay tua trực ca và bấm còi báo động khi phát hiện có người lạ tới gần hoặc đang ở trên tàu.
Các tàu phải duy trì trực ca liên tục để nhận các khuyến cáo; chuyển hướng hoặc tránh vào khu vực nguy hiểm, duy trì thông tin liên lạc với các đơn vị chức năng tại khu vực...
Năm 2014, Bộ Công an Việt Nam cũng đưa ra cảnh báo với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và nhấn mạnh khu vực Đông Nam Á đang trở thành “điểm nóng” của cướp biển. Tại vùng Đông Nam Á, hoạt động cướp biển gia tăng đáng kể cả về số lượng và tính chất vụ việc.
Cục Hàng hải quốc tế (IMB) cũng cho biết, hoạt động cướp biển có xu hướng giảm trên phạm vi quốc tế, song liên tục gia tăng tại khu vực Đông Nam Á. Cướp biển nhằm vào các tàu chở dầu.
Châu Như Quỳnh