1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thái Bình:

“Căng mình” chống dịch tả lợn châu Phi

(Dân trí) - Để phòng chống lây lan, nhanh chóng dập dịch tả lợn châu Phi, trên địa bàn các xã có dịch tả lợn châu Phi đã lập gác chắn barie, bố trí người trực 24/24h. Các phương tiện qua đây đều được phun thuốc khử trùng. Các tuyến đường ngõ xóm đều được rắc vôi bột…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có thông báo về việc xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Hưng Yên và Thái Bình với 3 ổ dịch tại các huyện, thị xã. Cụ thể, Hưng Yên có 2 ổ dịch gồm 130 con lợn, Thái Bình có một ổ dịch với 123 con nhiễm bệnh.

Tính đến tháng 2/2019, đàn lợn toàn tỉnh Thái Bình có khoảng 970.000 con. Ngày 12/2, trên địa bàn xã Đông Đô (Hưng Hà) bắt đầu có hiện tượng lợn ốm chết bất thường. Ngay khi có thông tin, cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã xuống trực tiếp kiểm tra, xác minh thông tin, lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán dịch bệnh. Kết quả, lợn ốm chết dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

ta lon chau phi.jpg

Phun hóa chất khử trùng tại khu vực chuồng trại tại Thái Bình (ảnh: báo Thái Bình)

 

Sau khi mẫu xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi, Chi Cục chăn nuôi và thú y tỉnh Thái Bình đã nhanh chóng tiến hành công tác tiêu hủy lợn bệnh. Đồng thời, tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng vào ổ dịch, khử trùng trên diện rộng và tăng cường giám sát.

Để ngăn chặn dịch lây lan và nhanh chóng dập dịch, trên địa bàn xã Đông Đô đã dựng gác chắn barie tại 4 điểm ra vào của xã để kiểm soát các phương tiện ra vào; bố trí người trực 24/24h. Các phương tiện qua đây đều được phun thuốc khử trùng. Hệ thống các tuyến đường của xã, ngõ xóm trên địa bàn xã đều được rắc vôi bột…

Các xã ở huyện Hưng Hà đã được cấp 2.929 lít hóa chất. Riêng xã Đông Đô đã sử dụng hơn 450 lít hóa chất và 22 tấn vôi bột để tiêu độc, khử trùng. Trước tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, huyện Hưng Hà đã có quyết định công bố dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Đông Đô; đồng thời triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp dập dịch, không để lây lan diện rộng.

tieu huy.jpg

Tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả châu Phi theo đúng quy định (ảnh: báo Thái Bình)

 

Theo ông Phạm Văn Tạo, Chủ tịch UBND xã Đông Đô cho biết, toàn xã Đông Đô có gần 13.000 con lợn của 335 hộ chăn nuôi. Khi xảy ra dịch xã đã thành lập các tổ chỉ đạo, tổ tiêu hủy, tổ tiêu độc, khử trùng, tổ tuyên truyền ký cam kết, tổ hậu cần với gần 60 người tham gia. Xã đã thực hiện tiêu hủy 123 con lợn mắc dịch; sử dụng gần 450 lít hóa chất và 22 tấn vôi bột để tiêu độc, khử trùng; tổ chức ký cam kết phòng, chống dịch đối với 26 hộ buôn bán, giết mổ gia súc. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã không phát sinh thêm lợn ốm chết.

Đến ngày 20/2, tại hộ bà Đỗ Thị Duyên ở thôn Phú Nông và gia đình ông Vũ Đăng Huy ở thôn Hoàng Nông, ở xã Lô Giang thông báo có đàn lợn ốm bất thường. Nhận được thông tin, ngay chiều ngày 20/2 xã Lô Giang đã huy động lực lượng khẩn trương thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng quanh chuồng trại của 2 hộ có lợn ốm bất thường. Ngay sáng ngày 21/2, xã Lô Giang đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lợn ốm bất thường của 2 hộ theo đúng quy trình hướng dẫn.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ cao ảnh hưởng đến đàn lợn trên địa bàn tỉnh Thái Bình, chiều ngày 21/2, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tiếp nhận 5.000 lít hóa chất để hỗ trợ các địa phương chủ động thực hiện phòng, chống dịch bệnh động vật.

Để nhanh chóng khống chế, dập tắt các ổ dịch, không để dịch lây lan, UBND tỉnh Thái Bình đã yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; phân công nhiệm vụ và địa bàn cụ thể cho các thành viên.

Tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; huy động mọi nguồn lực mua hóa chất, vôi bột để tiêu độc, khử trùng tiêu diệt mầm bệnh.

Hạn chế người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi, nhất là thương lái và phương tiện thu gom, vận chuyển lợn. Thành lập các đội kiểm dịch lưu động, các chốt kiểm dịch động vật liền kề với địa phương có dịch để kiểm soát các hoạt động vận chuyển. Khi dịch bệnh phát sinh, thực hiện nghiêm túc các giải pháp tiêu hủy lợn mắc bệnh, khoanh vùng ổ dịch, dừng vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn; chủ động giám sát và cảnh báo dịch bệnh…

Đức Văn