1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Cần xem xét trách nhiệm hình sự những người gây oan sai cho ông Hàn Đức Long”

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, TS. Dương Thanh Biểu - nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao - cho rằng cần kiểm điểm nghiêm túc và xem xét trách nhiệm hình sự với những người đã gây ra oan sai cho ông Hàn Đức Long. “Một vụ án có nhiều sai sót về tố tụng và không có chứng cứ để chứng minh tội phạm mà vẫn liên tục 4 lần tuyên tử hình là điều không thể chấp nhận được”- ông nói.

TS. Dương Thanh Biểu- nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao.
TS. Dương Thanh Biểu- nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao.

- Vụ án của ông Hàn Đức Long (Bắc Giang) đã qua nhiều lần xét xử và 4 lần bị tuyên tử hình về về tội Giết người và Hiếp dâm trẻ em. Vừa qua, VKSND tỉnh Bắc Giang đã quyết định đình chỉ, trả tự do cho ông Long. Dường như việc minh oan cho ông Hàn Đức Long đã diễn ra quá chậm trễ, thưa ông?

- Vụ án này trước đây, khi còn đương chức tôi có nghe anh em báo cáo. Sau đó tôi có yêu cầu anh em ở VKSND Tối cao kiểm tra kỹ hồ sơ, cử cán bộ về tận nơi xảy ra vụ án để kiểm tra hiện trường, gặp bị cáo và một số nhân chứng...

Trên cơ sở đó, chúng tôi thấy đây là vụ án có nhiều vi phạm nghiêm trọng về quá trình thu thập chứng cứ cũng như quan điểm đánh giá chứng cứ. Đồng thời trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã vi phạm nghiêm trọng về các thủ tục tố tụng hình sự.

Từ đó chúng tôi đã họp bàn và thống nhất với TAND Tối cao hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung.

Thời gian qua đi, sau đó, tôi nghỉ hưu, không còn điều kiện chỉ đạo tiếp, nhưng vẫn đau đáu về vụ án này.

Thông qua báo chí, tôi thấy các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm tiếp đó vẫn tuyên tử hình Hàn Đức Long. Nhưng xét xử xong, bị cáo vẫn kêu oan… Gần đây Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã quyết định hủy 2 bản án và yêu cầu điều tra lại. Quá trình điều tra cho thấy không đủ chứng cứ kết tội, nên VKSND tỉnh Bắc Giang đã có quyết định đình chỉ vụ án, trả tự do và phục hồi mọi quyền công dân đối với ông Long.

Nhận được tin này tôi rất vui mừng và cũng có nhiều suy nghĩ. Trước hết tôi rất hoan nghênh VKSND tỉnh Bắc Giang đã quyết định đình chỉ, trả tự do cho Hàn Đức Long.

Theo tôi, việc ra quyết định trên đây của VKSND tỉnh Bắc Giang tuy rất khó khăn nhưng thể hiện đúng lương tâm và trách nhiệm trước sinh mệnh của một con người. Nhân đây tôi cũng hoan nghênh các cơ quan tư pháp Trung ương, tiếp tục chỉ đạo đến cùng để bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, giải oan cho công dân Hàn Đức Long.

- Qua hai vụ án oan sai rúng động dư luận cả nước của ông Nguyễn Thanh Chấn và Hàn Đức Long có thể nhận thấy năng lực, trình độ của cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang thực sự “có vấn đề” và cần được cơ quan chức năng Trung ương xem xét trách nhiệm thấu đáo?

- Đối với những sai lầm khi giải quyết vụ án Hàn Đức Long, cũng có ý kiến do năng lực, trình độ của cán bộ tư pháp. Theo tôi, lý do đó cũng có một phần nhưng cái chính là cơ quan và người tiến hành tố tụng trong vụ án này chưa thật sự cầu thị để nhận rõ sai sót của mình. Dường như vẫn còn tư tưởng bảo thủ, chạy theo thành tích, sợ trách nhiệm nên không thay đổi nhận thức của mình.

Ví dụ, trong kết luận điều tra lần thứ 7, Cơ quan điều tra vẫn khẳng định có đủ căn cứ kết luận Hàn Đức Long phạm tội hiếp dâm và giết người. Một vụ án có nhiều sai xót về tố tụng và không có chứng cứ để chứng minh tội phạm mà vẫn liên tục 4 lần tuyên tử hình là điều không thể chấp nhận được.

Cần tiến hành kiểm điểm nghiêm túc, sâu sắc về trách nhiệm của cơ quan và người tiến hành tố tụng để xẩy ra oan sai. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể xem xét về trách nhiệm hình sự để nhằm từ nay về sau không được để tái diễn những vụ án sai lầm như vụ Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn lần nữa.

- Ông có cho rằng phải rà soát lại thật kỹ lưỡng những vụ án có dấu hiệu oan sai do cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang thực hiện trong giai đoạn xảy ra hai vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn và Hàn Đức Long?

- Tôi thấy cần phải như vậy. Qua hai vụ án này, tôi cho rằng các cơ quan điều tra, kiểm sát và tòa án cấp Trung ương nên chỉ đạo cho kiểm tra, giải quyết tích cực, có trách nhiệm và triệt để hơn nữa để giải quyết dứt điểm các vụ án kêu oan kéo dài ở ở các địa phương nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng, kịp thời minh oan cho người dân vô tội.

Tử tù Hàn Đức Long đã được tại ngoại về với gia đình (Ảnh: Bá Đoàn)
"Tử tù" Hàn Đức Long đã được tại ngoại về với gia đình (Ảnh: Bá Đoàn)

- Ông có góp ý gì cho chủ trương cải cách tư pháp đang được đẩy nhanh thực hiện sau nhiều vụ án oan rúng động dư luận thời gian qua?

- Hiện nay các cơ quan tư pháp đang đẩy nhanh thực hiện chủ trương về cải cách tư pháp. Thiết nghĩ, vụ án Hàn Đức Long trên đây cần được đưa ra rút kinh nghiệm chung cho cả hệ thống Cơ quan điều tra, Kiểm sát và Tòa án, coi đây là bài học sâu sắc để góp phần thực hiện tốt chủ trương về cải cách tư pháp. Song song, tôi cho rằng phải làm tốt các nội dung sau:

Thứ nhất, các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương tổ chức xin lỗi và thương lượng với ông Long để thực hiện việc bồi thường cho đương sự một cách khẩn trương, chính xác, kịp thời.

Thứ hai, từ vụ án này, các cơ quan tư pháp phải hết sức coi trọng nguyên tắc suy đoán vô tội đã được khoản 1 Điều 13 Hiến pháp năm 2013 quy định. Theo đó, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội theo đúng trình tự, thủ tục luật định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

Thứ ba, công tác tư pháp nói chung và công tác điều tra, truy tố, xét xử nói riêng có những khó khăn riêng của nó. Chỉ cần sơ suất, thiếu cẩn thận là dễ phạm sai sót, nhất là những sai sót liên quan đến quyền con người.

Việc oan sai thì thực tiễn tại các nước trên thế giới đều xảy ra. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, khi phát hiện oan sai thì trách nhiệm các cơ quan tư pháp xử lý như thế nào để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị oan.

Cho nên, từ vụ án này, các cơ quan và người tiến hành tố tụng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm là phải hết sức cầu thị, tôn trọng sự thật khách quan trong việc ra các quyết định liên quan đến quyền con người.

- Xin cảm ơn ông!

Thế Kha (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm